Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, năm 2016, chăn nuôi lợn của tỉnh Hà Nam có sự tăng trưởng vượt bậc, tổng đàn toàn tỉnh đạt gần 720.000 con, tăng 60% so với năm 2015; thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 75.000 tấn.
Từ quý IV/2016, Trung Quốc giảm mua thịt lợn hơi khiến giá thịt lợn hơi trong nước giảm mạnh từ 50 - 60% so với thời điểm được giá. Người chăn nuôi bị thua lỗ nặng. Hiện, toàn tỉnh có 3.255 hộ nuôi lợn đã bỏ trống chuồng. Tổng đàn lợn chỉ còn trên 508.000 con, giảm 29,3% so với thời điểm thống kê 1/10/2016. Dư nợ các ngân hàng cho ngành chăn nuôi lợn vay xấp xỉ 2.425 tỷ đồng. Nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi đã giảm giá bán sản phẩm từ 5 - 10%.
Một đàn lợn của hộ chăn nuôi tại tỉnh Hà Nam có trọng lượng trên 150 kg/con vẫn chưa bán được do giá xuống thấp. Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN |
Tham gia đóng góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, giá thịt lợn hơi xuống thấp là do sản lượng thịt lợn ở tỉnh đã dư thừa, vượt quá nhu cầu. Một yếu tố khác là do Trung Quốc giảm sản lượng thu mua lợn thịt từ Việt Nam.
Trong khi đó, tỉnh Hà Nam chưa có doanh nghiệp chế biến, trữ đông thịt lợn. Giải cứu chăn nuôi lợn thịt trong tình hình hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm là tài chính và tìm kiếm thị trường. Về tài chính, các ngân hàng thương mại quan tâm đến việc gia hạn trả lãi suất vay vốn, tăng cường thực hiện các giải pháp về quy hoạch phát triển đàn lợn, thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất để giảm chi phí đầu tư,…
Về giải pháp lâu dài, ông Trương Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho rằng, các cấp, các ngành cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi; hướng dẫn người chăn nuôi quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phối trộn thức ăn hợp lý nhằm hạ giá thành sản xuất mức thấp nhất.
Các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý thị trường, giảm khâu trung gian, quản lý tốt giá cả, tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn rà soát quy trình sản xuất, điều chỉnh giá bán phù hợp trên tinh thần chia sẻ với người chăn nuôi. Các ngân hàng thương mại có chính sách, giãn, hoãn nợ tạo điều kiện cho các hộ chăn nuôi.
Tỉnh Hà Nam cũng yêu cầu các địa phương tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết; trong đó phát huy tối đa vai trò của doanh nghiệp, vai trò của các hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung ứng thị trường; rà soát ngành chăn nuôi, đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển cho phù hợp, vừa bảo đảm ổn định thị trường và vừa bảo vệ môi trường.