Để siết chặt phòng chống dịch COVID-19, lực lượng chức năng của Hà Nội đã quyết liệt giải tỏa các chợ “cóc”, chợ tạm, điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn. Tại đa số chợ dân sinh, Ban Quản lý chợ, Tổ phòng chống dịch tiến hành đo thân nhiệt người mua hàng, chặn bớt lối vào để kiểm soát số lượng người vào ra, thậm chí không cho người dân đi xe máy vào chợ để thực hiện tốt giãn cách.
Sáng 26/7, một số tiểu thương chợ Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Sức mua thực phẩm, rau xanh, củ quả chậm hơn nhiểu so với những ngày trước. Một trong các lý do là trước đó người dân đã mua tích trữ hàng, đặc biệt trong ngày đầu tiên, Hà Nội giãn cách toàn thành phố (ngày 24/7). Bên cạnh đó, nhiều người mua ngại vào chợ vì lối đi đã bị hạn chế, không thuận tiện di chuyển (trước khi có lệnh giãn cách, người dân có thể vừa đi xe qua ngõ, phố, vừa tạt vào sạp trong chợ để mua thức ăn).
“Sáng 26/7, người mua vắng, hàng bán chậm. Giá thịt lợn vẫn ổn định. Theo đó, thịt lợn thăn được bán với giá 130.000 đồng/kg; nạc vai dao động từ 130.000 đến 140.000 đồng/kg; sườn ngon 140.000 đồng/kg; thịt mông sấn 100.000 đồng/kg”, anh Phạm Văn Sơn, tiểu thương bán thịt lợn tại Chợ Đại Từ cho biết.
Tương tự, chủ sạp thịt bò, chị Phương Dung chia sẻ: Giá thịt bò không tăng bởi trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, cuộc sống người dân rất khó khăn, không còn tiền nhiều đi chợ. Hiện giá thịt bò thăn là 250.000 đồng/kg; bắp bò 250.000 đồng/kg; bắp hoa giá 350.000 đồng/kg.
Tại cửa hàng thịt bò có tiếng trên phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, bà Phương Tuyết khẳng định không tăng giá dù lượng bán tăng gấp đôi so với trước. Cửa hàng của bà đông khách, một phần vì vị trí cửa hàng thuận lợi ngay mặt đường phố Bạch Mai, tiện cho người đi đường mua hàng. Hiện giá thịt bò mông là 270.000 đồng/kg; thịt vai là 250.000 đồng/kg.
Tại địa bàn Cầu Giấy, chị Nguyễn Thị Tình, chủ sạp thịt bò chợ Đồng Xa (Mai Dịch) cho biết: Giá thịt bò ở đầu mối có tăng, nhưng không đáng kể, chỉ vài nghìn đồng/kg, nên giá bán ra vẫn như trước, dao động khoảng 150.000 - 300.000 đồng/kg tùy loại. “Nếu như ngày đầu tiên thực hiện giãn cách, dân mua nhiều để cất trữ, thì sang ngày thứ 2 và ngày thứ 3, số lượng người đi chợ giảm mạnh, ít người ra đường. Các tiểu thương cam kết không tăng giá, thực hiện theo chỉ đạo của thành phố là không tăng giá vô lý”, chị Nguyễn Thị Tình chia sẻ.
Do tâm lý ngại ra đường, nhiều bà nội trợ thường giảm lượng rau có lá, thay vào đó là các loại củ quả. Do đó, giá rau (củ quả) có phần nhích hơn so với trước. Hiện giá khoai tây là 17.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg so với trước; bí đỏ 18.000 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg.
Tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai), từ sáng sớm 26/7, lực lượng công an phường đã bố trí người đứng tại ngã ba, đọc loa tuyên truyền. Tại các lối ra vào chợ đều được kẻ vạch lối ra, lối vào, các tiểu thương được bố trí ngồi giãn cách. Các quầy hàng có mặt tiền hướng ra đường đều được giăng dây, người mua chỉ đứng bên ngoài. Lượng người đến chợ không đông, khá vắng vẻ.
Giá thực phẩm tại chợ Yên Duyên thậm chí giảm hơn so với vài ngày trước. Cụ thể: Giá rau dền, rau muống 2 ngày trước có giá 7.000 -10.000 đồng/mớ thì ngày 26/7 có giá 5.000 đồng/mớ; thịt lợn ba chỉ, sườn, thăn có giá 130.000 đồng/kg, giảm 10.000 - 20.000 đồng/ kg so với 2 ngày trước.
Các mặt hàng hải sản có giá tăng lên, riêng giá cá biển ổn định. Theo chị Nguyễn Thanh Huyền (kinh doanh hải sản tại phố Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội), tại các đầu mối, giá cua, ghẹ, tôm, mực tăng mạnh do ngư dân ít đi biển; các xe chở hàng chưa kịp làm giấy tờ (xét nghiệm COVID-19, giấy ưu tiên luồng xanh…); nhân lực lao động tại các kho, vựa đầu mối giảm… “Mặc dù tại các đầu mối, giá tôm, mực tăng tới 30.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng chúng tôi cũng chỉ tăng khoảng 10.000 đồng/kg, chấp nhận giảm lãi bởi tất cả người dân đều bị tác động mạnh bởi dịch, cuộc sống khó khăn hơn”, chị Nguyễn Thanh Huyền cho biết.