Đại diện VCCI cho rằng: Qua từng năm, tỷ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) phải KTCN của hệ thống hải quan đã giảm mạnh, năm 2019 giảm xuống mức 1,62% với hàng xuất khẩu (năm 2015, tỷ lệ là 4,8%) và 19,1% với hàng nhập khẩu (năm 2015, tỷ lệ là 25,93%). Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đạt mục tiêu của Chính phủ là giảm dưới mức 10% đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018 - 2019.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, các bộ, ngành mới cắt giảm được 12.600/82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý và KTCN. Đây là con số khá xa so với yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ là phải cắt giảm được 50% hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN vào năm 2018 - 2019.
Cơ chế hậu kiểm đang được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) áp dụng đã tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp. “Bộ KH-CN đã chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm. Cụ thể, cắt giảm từ 24 nhóm sản phẩm hàng hóa (với 299 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) phải kiểm tra trước thông quan xuống còn 2 nhóm phải kiểm tra (tương ứng với 20 loại sản phẩm cụ thể phân theo mã HS) là xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng”, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) nói.
Về đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàng hóa nhập khẩu, Bộ KH-CN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc miễn kiểm tra chất lượng hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu. Đối với hàng hóa áp dụng biện pháp hậu kiểm, thời gian kiểm tra, thông quan hàng hóa chỉ tối đa 1 ngày. Bộ KHCN đã quy định đối với hàng hóa nhập khẩu có cùng tên gọi, công dụng, nhãn hiệu, kiểu loại, đặc tính kỹ thuật của cùng một cơ sở sản xuất, xuất xứ do cùng một người nhập khẩu, sau 3 lần nhập khẩu liên tiếp có kết quả là phù hợp quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia sẽ được miễn kiểm tra Nhà nước chất lượng trong 2 năm.
Theo Bộ KH-CN, sau khi được chuyển sang cơ chế hậu kiểm, quý I/2020 với hơn 16.000 lô hàng nhập khẩu, đã tiết kiệm chi phí (chi phí lưu kho, bãi; chi phí cho người đi làm thủ tục nhập khẩu) cho doanh nghiệp được hơn 75 tỷ đồng.
Nhằm đơn giản thủ tục KTCN, dự thảo đề án đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan xây dựng.
Theo ông Vũ Lê Quân - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan), dự thảo đề án được xây dựng với nhiều nội dung cải cách hơn, đơn giản hóa, chuẩn hóa, thống nhất quy trình, thủ tục KTCL, kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP).
Theo đó, hàng nhập khẩu được phân loại vào các nhánh quy trình kiểm tra khác nhau, dựa trên lịch sử hoạt động KTCL, kiểm tra ATTP mà các bộ, ngành, hải quan, tổ chức đánh giá sự phù hợp đã thực hiện đối với mặt hàng, quá trình chấp hành pháp luật của doanh nghiệp; áp dụng chuyển đổi phương thức kiểm tra (từ kiểm tra chặt sang kiểm tra thông thường, kiểm tra thông thường sang kiểm tra giảm); thay đổi cách tiếp cận từ KTCL theo hàng hóa gắn với chủ hàng sang KTCL theo hàng hóa.
Với mô hình mới, hải quan kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% tổng số lô hàng nhập khẩu để đánh giá rủi ro, tuân thủ của doanh nghiệp. Đề án cũng quy định trách nhiệm phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước để kịp thời phát hiện, xử lý hàng hóa không đạt chất lượng.