Vẫn còn 1.012 dòng hàng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Theo Tổng cục Hải quan, hiện còn 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng) còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành.

Chú thích ảnh
Tiếp tục rà soát cơ chế chính sách về kiểm tra chuyên ngành để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: BCĐ 9 Quốc gia.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan thừa nhận có hiện tượng một số cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (KTCN) không những chưa đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn gây tốn kém về thời gian, chi phí và thậm chí làm ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành rà soát các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu còn chồng chéo trong quản lý và KTCN, từ đó đề xuất tập trung đầu mối thực hiện kiểm tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 7957/VPCP-KSTT ngày 5/9 “về việc tập trung đầu mối trong thực hiện KTCN đối với một mặt hàng”.

Các đơn vị sẽ rà soát kết quả cắt giảm danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành, KTCN của các bộ, ngành có hiệu lực đến ngày 20/10; rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về quản lý và KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có hiệu lực đến ngày 20/10; rà soát, thống kê hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và KTCN của các bộ, ngành cần sửa đổi, bổ sung; rà soát, thống kê danh mục thuộc diện quản lý chuyên ngành của các bộ, ngành phải ban hành kèm theo mã số HS; rà soát, thống kê hàng hóa thuộc diện KTCN nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm cơ sở kiểm tra.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ cùng các bộ, ngành rà soát, áp mã số HS đối với 6 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN của Bộ Công Thương; danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ; danh mục sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng của Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng; danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành của Bộ Quốc phòng; danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công an. 

Trước đó, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) cho hay: Nhìn chung trong quý III/2019, công tác quản lý, KTCN đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa có chuyển biến nhiều. Nghị quyết số 02/NQ-CP nhấn mạnh: Trước tháng 6/2019, các bộ, ngành hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Thế nhưng theo Bộ KHĐT, công tác này chuyển biến chậm, chủ yếu chuyển từ kiểm tra trước sang thông quan sang giai đoạn sau thông quan, chứ không phải cắt giảm số lượng mặt hàng kiểm tra chuyên ngành như yêu cầu của Chính phủ.

Một số bộ, ngành quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, KTCN và có cải cách tích cực, như: Y tế, Khoa học và Công nghệ....Tuy vậy, một số cải cách của bộ, ngành chưa đem lại thuận lợi cho doanh nghiệp do bất cập trong quá trình thực thi.

Đơn cử về lĩnh vực nhập khẩu sản phẩm thiết bị y tế, đại diện Bộ KHĐT cho biết: Theo phản ánh của các doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm là trang thiết bị y tế thì nhiều sản phẩm nhập khẩu không thuộc diện phải xin xác nhận của Bộ Y tế (căn cứ Thông tư 30/2015/TT-BYT) nhưng một số cơ quan hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện.

“Điều này gây khó khăn, bức xúc lớn cho doanh nghiệp, gây ách tắc và làm chậm thời gian giải phóng hàng; đồng thời làm phát sinh thủ tục hành chính, tạo áp lực công việc đối với cả Bộ Y tế”, báo cáo của Bộ KHĐT nhận định.

Minh Phương/Báo Tin tức
Cải thiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu
Cải thiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu

Chiều 27/8, Tổng cục Hải quan đã làm việc với đại diện một số bộ, ngành và chuyên gia của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm thúc đẩy triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật tạo thuận lợi thương mại (TFP) do USAID tài trợ, với nội dung trọng tâm là cải thiện kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN