Doanh nghiệp tạm ngừng gia tăng, nguy cơ thiếu nguyên liệu
Hai tháng đầu năm nay có 16.151 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch Đầu tư), đây cũng là tháng đầu tiên hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bắt đầu thấy rõ những tác động từ bệnh dịch COVID-19.
Tháng 2/2020, Việt Nam có 9.163 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 96.817 tỷ đồng, tăng 10,7% về số doanh nghiệp nhưng giảm tới 176,5% số vốn đăng ký so với tháng trước. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh 55,3% (do tháng 2/2019 trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) nhưng tổng vốn đăng ký chỉ tăng 0,8%.
“Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở Trung Quốc, Nhật Bản, bùng phát ở Hàn Quốc - những đối tác kinh tế, thương mại hàng đầu của Việt Nam đã gây ra sự đứt gẫy của các chuỗi giá trị kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp suy giảm. Kiểm soát dịch bệnh đã khó nhưng giúp doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh cũng khó khăn không kém”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Theo ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc tạm ngừng sản xuất vì thiếu nguồn cung nguyên vật liệu. Nguyên do nguyên liệu phụ thuộc rất lớn vào các nguồn cung cấp từ các quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc khiến việc nhập hàng khó khăn, đặc biệt trong ngành điện - điện tử. “Các doanh nghiệp điện tử hiện chỉ còn đủ lượng linh kiện phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng giữa hoặc cuối tháng 3/2020, đối với ngành dệt may, da giày cũng chỉ chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3 hoặc đầu tháng 4. Do đó, khả năng nhiều doanh nghiệp trong ngành này phải tạm ngừng sản xuất là rất lớn.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hiện chiếm tới 35 % kim ngạch suất khẩu nông sản của Việt Nam, linh kiện phụ tùng cho các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử… nhập từ Trung Quốc chiếm tới 50 - 60% tổng giá trị đầu vào cho sản xuất thì khó có thể yên ổn được. “Chuỗi giá trị toàn cầu mà Việt Nam là một mắt khâu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương. Với tình trạng này thì khi doanh nghiệp Trung Quốc ‘hắt hơi’, doanh nghiệp Việt Nam không ‘sổ mũi’ thì mới là chuyện lạ và tác động của COVID-19 chỉ là một ví dụ”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Đề xuất giảm lãi, rà soát cắt giảm phí, lệ phí để “cứu” doanh nghiệp
Theo TS Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp Việt đang cố gắng xoay sở tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu thay thế nhập từ các thị trường ngoài khu vực. Tuy nhiên sẽ rất khó tìm được chủng loại phù hợp và nếu có tìm được thì giá cả lại cao, cộng với chi phí vận tải thì ngay cả các nghiệp lớn cũng khó mà chịu được.
Biện pháp cấp bách mà lãnh đạo VCCI đề xuất trong ngắn hạn là hỗ trợ sản xuất kinh doanh - quyết liệt như chống dịch. Đó là: Tập trung đẩy nhanh giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư , kinh doanh ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực, rà xét giải quyết sớm các thủ tục đầu tư cho các dự án lớn cả trong khu vực công và tư hay đối tác công tư để đẩy nhanh tiến độ giải ngân; phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng để tháo gỡ ách tắc các hoạt động xuất nhập khẩu với Trung Quốc.
Phía hải quan cần cải tiến thủ tục thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, bảo đảm nhanh chóng thuận lợi; đồng thời bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh; giải quyết linh hoạt các thủ tục sau thông quan để hỗ trợ doanh nghiệp hoán đổi mã vật tư nguyên liệu để khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm vật tư cho sản xuất kinh doanh, duy trì đơn hàng và công ăn việc làm cho người lao động.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần giảm lãi suất cơ bản; các ngân hàng thương mại khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch cúm; giãn, hoãn và trình ra Quốc hội kỳ họp giữa năm đề xuất miễn , giảm có thời hạn các khoản thuế và phí phải nộp của doanh nghiệp ở những ngành lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng; giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch cúm.
Theo đề xuất của VCCI, tạm thời không thu một số loại phí, lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính; chưa tăng các loại giá các dịch vụ và giá vật tư đầu vào cho sản xuất kinh doanh do Nhà nước quản lý; chưa thu phí C/O từ hoạt động xuất nhập khẩu; mở rộng diện miễn visa cho các quốc gia và vùng lãnh thổ, miễn visa du lịch, kéo dài thời hạn visa, giảm lệ phí visa... để khuyến khích luồng khách du lịch phục hồi; giãn, hoãn và giảm các khoản đóng góp Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm y tế từ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Cơ quan BHXH nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp chi trả tiền lương cho người lao động phải nghỉ việc do bất khả kháng từ dịch bệnh COVID-19.
Các chuyên gia thương mại cũng cho rằng: Cần thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, tăng cường kết nối phát triển thị trường nội bộ giữa các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ, tìm nguồn cung ứng vật tư, nguyên liệu, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Hiệu ứng của dịch cúm COVID-19 không chỉ đặt ra cho Việt Nam yêu cầu tái cấu trúc về thị trường, mà việc tiết giảm hội họp, giảm lễ hội, giảm đi lại, giảm các hoạt động phô trương, giảm chi phí trong thời gian dịch bệnh, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả các hoạt động của xã hội, của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các gia đình.
Trước đó, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư, trong đó quy định giảm một số mức phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Ví dụ, phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp được giảm từ 300.000 đồng xuống còn 100.000 đồng/lần; phí cung cấp thông tin doanh nghiệp theo tài khoản từ 125 bản/tháng trở lên giảm từ 5 triệu đồng/tháng xuống còn 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, một số đối tượng được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh.
Theo ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc bãi bỏ quy định thu một số khoản phí, lệ phí đã giảm chi phí cho doanh nghiệp. Mức miễn, giảm phí, lệ phí tuy không nhiều nhưng thể hiện sự chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Tuy về ngắn hạn có thể giảm thu ngân sách nhưng về dài hạn doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi sẽ tạo ra nhiều nguồn thu thuế và nhiều việc làm cũng như sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã hoàn thiện cơ chế, chính sách, bãi bỏ rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý; đồng thời rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để bãi bỏ quy định hết hiệu lực hoặc đã được sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh.