Khó giảm lãi suất cho vay ngắn và trung hạn trên diện rộng

Đến thời điểm này, đã có 5 ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 1/1/2018. Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, lãi suất khó có khả năng giảm trên diện rộng trong thời gian tới.

Theo đó, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn hiện nay là Agribank, Vietcombank, Vietinbank, VPBank, BIDV với mức hạ từ 0,5% - 1%. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là hành động tích cực của các ngân hàng thương mại (NHTM) ngay sau khi có Nghị quyết 01/NQ-CP về việc giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp 5 lĩnh vực ưu tiên tiếp cận vốn với chi phí hợp lý nhất.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín – CEO Trường Doanh nhân Bizlight, mặc dù bước đầu một số ngân hàng đã giảm lãi suất, nhưng sẽ khó có thể xảy ra làn sóng giảm lãi suất diện rộng hơn trên hệ thống ngân hàng thời gian tới.

Thực tế cho thấy, hiện nay việc giảm lãi suất cho vay mới chỉ thực hiện ở các ngân hàng lớn. Trong khi đó, các ngân hàng hiện vẫn còn vướng mắc về vấn đề nợ xấu, chi phí hoạt động của các ngân hàng còn cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi đang thấp hơn với nhiều nước trong khu vực... “Vì vậy, việc giảm lãi suất ở một số ngân hàng hiện nay là một tín hiệu tốt, nhưng vẫn có nhiều thách thức”, chuyên gia Tín chia sẻ. 


Ngoài ra, nếu nhìn vào lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ 5 năm hiện nay là 4,52%, lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ 30 năm hiện nay là 6,12%, thì đây đều là những lãi suất thấp do có rủi ro gần như bằng 0.


Trong khi đó, các ngân hàng hiện nay do còn thiếu thông tin khách hàng hoặc thông tin không chính xác, như các công ty "sân sau" của khách hàng, kế hoạch kinh doanh trong vài năm tới, dòng tiền trả nợ ổn định đến mức độ nào…; hay nhiều loại rủi ro phát sinh, đặc biệt là rủi ro tín dụng còn lớn nên lãi suất cho vay các doanh nghiệp vẫn cao. Vì thế, đây sẽ là thách thức chính của hệ thống ngân hàng bên cạnh các áp lực về lạm phát, tỷ giá…


“Như vậy, việc giảm lãi suất trên diện rộng trong ngắn và trung hạn trong thời gian tới là vô cùng khó, nó tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố, như thông tin khách hàng, rủi ro từ phía khách hàng, chi phí hoạt động của ngân hàng và áp lực từ các cân đối lớn như lạm phát, tỷ giá… Các yếu tố này hiện đang là thách thức rất lớn cho việc hạ lãi suất cho vay”, TS.LS Tín nhận định.


Hải Yên/Báo Tin tức
Thêm một ‘ông lớn’ ngân hàng giảm lãi suất vay xuống mức tối đa 6%/năm
Thêm một ‘ông lớn’ ngân hàng giảm lãi suất vay xuống mức tối đa 6%/năm

Sau khi Agribank, Vietcombank, Vietinbank và VPBank công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay, ngày 12/1, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam xuống mức tối đa 6%/năm kể từ ngày 15/1.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN