Khách hàng giao dịch tại Vietcombank Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Tuy là một ngân hàng lớn với các chỉ số kinh doanh khả quan nhưng “để đạt được mục tiêu thu nợ của năm 2018 vẫn sẽ là một thách thức lớn”, TS. Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank chia sẻ.
Nói như vậy không có nghĩa việc xử lý nợ xấu chỉ là thách thức của riêng Vietcombank, mà đây còn là thách thức chung của toàn hệ thống ngân hàng. Bởi nợ xấu tồn tại ở tất cả các ngân hàng từ lâu, được ví như "cục máu đông" trong huyết quản của nền kinh tế, nếu không xử lý kịp thời sẽ làm “tắc nghẽn” và cản trở sự phát triển kinh tế đất nước.
Chạy đua với thời gian để xử lý nợ Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ nợ xấu là một hiện tượng sinh học, "khi nào còn cho vay thì còn phát sinh nợ xấu".
Lý giải vấn đề này ông Hiếu cho rằng, như một vòng quay vận hành nhịp nhàng, ngân hàng huy động tiền gửi từ người dân, rồi dùng tiền đó để cho vay, khi người vay trả nợ thì dòng tiền lại quay về với ngân hàng. Khi nợ xấu xảy ra, tức là khoản vay không trở lại được với ngân hàng khiến dòng tiền bị đứt quãng. Trong khi đó, người gửi tiền lại đến hạn rút thì ngân hàng phải đôn đáo chạy vào thị trường 1 để huy động nguồn vốn mới với lãi suất cao hơn để trả lại.
Điều này dẫn đến lợi nhuận các ngân hàng giảm sút do phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn thậm chí nhiều ngân hàng rơi vào trạng thái nguy hiểm, đó là mất thanh khoản. Ông Hiếu chia sẻ.
Có thể nhận thấy, câu chuyện xoay quanh nợ xấu không chỉ là vấn đề của mỗi ngân hàng mà nó là vấn đề mà cả hệ thống ngân hàng luôn đối mặt.
Ngay trong mục tiêu hành động của năm 2018, Vietcombank xác định mục tiêu thu nợ của cả năm là thách thức nhưng đồng thời cũng là động lực phấn đấu. Do vậy, ngay từ đầu năm 2017, nhiều biện pháp đã được Vietcombank triển khai đồng bộ. Đáng chú ý là triển khai rà soát và tiến hành thí điểm việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với một số khách hàng, hồ sơ đủ điều kiện theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tìm kiếm các đối tác có nhu cầu mua các khoản nợ xấu theo giá thị trường, từ đó đẩy mạnh hơn nữa xử lý nợ xấu thông qua biện pháp bán nợ.
Tính đến 31/12/2017, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 1,1%. Tính riêng trong năm 2017, ngân hàng đã xử lý thu nợ để giảm nợ xấu nội bảng trên 4.650 tỷ đồng, thu nợ xấu ngoại bảng trên 2.180 tỷ đồng, đặc biệt số tiền thu hồi nợ xấu ngoại bảng đã đóng góp 20% vào lợi nhuận của toàn hệ thống.
Trước đó, đây cũng là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống xử lý sạch nợ xấu tại Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn 3 năm, hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu về xử lý nợ xấu, minh bạch đưa nợ xấu về 1 sổ và chính thức kiểm soát, quản trị được chất lượng tín dụng một cách thực chất. Trong giai đoạn 2013-2015, Vietcombank đã xử lý được 28.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt 130% kế hoạch theo Đề án xử lý nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank liên tiếp giảm trong các năm qua và luôn thấp hơn mức mục tiêu 3% của ngành ngân hàng.
Không chỉ tại Vietcombank mà việc rốt ráo xử lý nợ xấu cũng được ghi nhận ở các ngân hàng khác, điển hình phải kể tới Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), một trong 6 ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước chọn thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 (cùng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Chỉ sau 6 tháng đầu tiên tái cấu trúc, Sacombank đã xử lý được một khối nợ xấu "khổng lồ" lên tới hơn 19.000 tỷ đồng; trong đó, hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, cơ bản hoàn thành mục tiêu đã đề ra là xử lý từ 15.000-20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017.
Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, cho hay, trong quá trình thực hiện, Sacombank không chỉ chú trọng xử lý các tài sản thế chấp có giá trị lớn, mà cả những khoản nợ nhỏ, nếu có thanh khoản là bán ngay. Nhiều khoản nợ xấu từ vài tỷ đồng, vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng mà tài sản đảm bảo là cổ phần, cổ phiếu, nhà đất đã được thanh lý. Trong bộ máy tổ chức, Khối xử lý nợ hoạt động hết công suất, phải rà soát, đánh giá các khoản phải thu, các khoản có thể bán để thu nợ từng ngày, từng tuần.
"Phải nói là Sacombank chạy đua với thời gian để xử lý nợ", ông Minh nhấn mạnh.
Đề án tái cơ cấu cho phép Sacombank xử lý nợ xấu trong 10 năm. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu, vừa động viên, tạo điều kiện cho Sacombank xử lý trong vòng 5 đến 7 năm. Tuy nhiên, ông Minh cho biết, Sacombank sẽ nỗ lực hết sức để hoàn tất cơ bản xử lý nợ xấu trong vòng 3 đến 5 năm.
Xử lý nợ xấu chưa bao giờ là dễ dàng và kiểm soát để nợ xấu phát sinh từ những khoản vay mới ở mức thấp nhất lại càng không đơn giản. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần lớn khuyến cáo các ngân hàng ngoài việc thẩm định chất lượng khách hàng thì khi cho vay cần quản lý chặt nguồn vốn giải ngân và sử dụng vốn, ngay cả khi có tài sản bảo đảm.
Bởi có kiểm soát được dòng tiền sử dụng thì mới kịp thời xử lý được khi khoản nợ có nguy cơ rơi vào khó khăn, vị lãnh đạo này nói rõ.
Kỳ vọng phá vỡ "cục máu đông" Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C (trái) bị VAMC thu giữ nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Dù Nghị quyết 42 đã cho phép các ngân hàng thu giữ tài sản bảo đảm, đồng thời quy định chính quyền địa phương và các cơ quan an ninh phải hỗ trợ ngân hàng trong việc thu giữ này thì theo ông Phạm Mạnh Thắng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank, việc áp dụng các nội dung trên tại các tổ chức tín dụng đến thời điểm hiện tại vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Cái khó đầu tiên chính là nhiều cơ quan, bộ ngành liên quan vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 42. Ngoài ra, Nghị quyết 42 đã quy định chi tiết về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, tuy nhiên trong thực tế vẫn chưa thể thực hiện do các sở, ban ngành tại địa phương chưa thống nhất quan điểm xử lý.
Và hơn cả là hầu hết các khoản nợ xấu đều khó đáp ứng đầy đủ các điều kiện để được áp dụng thủ tục rút gọn theo Bộ luật Tố tụng dân sự, do đó Tòa án nhân dân các cấp vẫn tiếp tục xử lý các vụ việc theo trình tự thông thường.