Dự án đầu tư Cao ốc phức hợp Sài Gòn M&C bị VAMC thu giữ nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã có hiệu lực được 5 tháng. Những điểm mới của Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động mua bán nợ và xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn những vướng mắc trong quá trình khai thu hồi nợ xấu, cần sự vào cuộc nhanh và quyết liệt hơn nữa của các bộ ngành; đồng thời có giải pháp đưa nợ xấu ra thị trường mua bán một cách công khai, minh bạch hơn. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, đến thời điểm này, việc mua lại và xử lý nợ xấu được VAMC thực hiện ra sao và kết quả thế nào?Năm 2017, VAMC thực hiện mua nợ xấu bằng phát hành trái phiếu đặc biệt gần 32.000 tỷ đồng. Và mua theo cơ chế thị trường đạt gần 3.200 tỷ đồng. Tổng số tiền VAMC thu hồi nợ và phối hợp các tổ chức tín dụng thu hồi nợ cũng được gần 32.000 tỷ đồng. So với 4 năm trước, thì số thu hồi nợ của VAMC và các tổ chức gần đạt 2/3. Có thể nói năm 2017 là năm thành công của ngành ngân hàng trong tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, đặc biệt là thuận lợi từ cơ chế chính sách của Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Vì thế, ý thức của khách hàng trong vấn đề khắc phục nợ tại các ngân hàng thương mại và VAMC tốt hơn, phối kết hợp, hợp tác với khách hàng tốt hơn. Từ khuôn khổ pháp lý này, bản thân các tổ chức tín dụng và VAMC thực hiện thành công giảm thiểu nợ xấu, trong nội mạng và ngoại mạng của các tổ chức tín dụng.
Nghị quyết 42 đã mở cánh cửa cho mua bán nợ theo cơ chế thị trường. Vậy ông cho biết VAMC xử lý nợ theo cơ chế thị trường như thế nào ?Trước hết, Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho VAMC thực hiện mua nợ theo cơ chế thị trường. Để thực hiện việc này, ngay từ đầu năm 2017, trước khi có Nghị quyết ra đời, chúng tôi đã chỉ đạo các ban chức năng của công ty phân loại đánh giá các khoản nợ để đưa ra các phương án xử lý phù hợp. Bởi muốn xử lý được các khoản nợ xấu, nợ khó xử lý thì phải hiểu rõ, nắm rõ thực trạng của khách hàng cũng như khoản nợ, tài sản đảm bảo của nợ xấu đó.
Vì thế, khi có Nghị quyết 42 là chỗ dựa pháp lý, VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng mua trên 3.000 tỷ đồng nợ xấu. Các khoản nợ xấu VAMC mua về, đến nay đang đưa ra các kịch bản, phương án tiếp tục xử lý. Có thể là bán nợ, bán tài sản, cơ cấu lại nợ để giúp phục hồi sản xuất kinh doanh để tiếp tục thu hồi nợ.
Cùng đó VAMC đánh giá lại xử lý nợ; trong đó có mua nợ theo cơ chế thị trường. VAMC đã nhận được sự đồng tình ủng hộ tích cực của các cấp, ngành, các địa phương trong vấn đề thu giữ tài sản, phát mại, chuyển nhượng dự án đầu tư để đảm bảo thu hồi nợ xấu đã mua.
Trong quá trình triển khai, VAMC có gặp những khó khăn gì, thưa ông?Ông Nguyễn Tiến Đông: Thực tế, quá trình mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, với nguồn lực công ty, vốn ngân sách cấp còn có hạn, chúng tôi có khoảng 2.000 tỷ đồng để mua trên 3.000 tỷ đồng trong năm 2017. Chúng tôi đã thỏa thuận với tổ chức tín dụng là trả một phần, còn lại sau 3-6 tháng khi xử lý xong khoản nợ sẽ thanh toán nốt. Chính vì vậy, khó khăn thứ nhất là nguồn lực để thực hiện là chưa đủ.
Thứ hai, trong quá trình xử lý nợ, đa phần khách hàng có nợ xấu thì sự hợp tác, thiện chí là không như ban đầu khi đặt vấn đề vay vốn các ngân hàng. Nên phải có tìm hiểu rất kĩ, từ pháp lý, hồ sơ đến thực tế, cũng như cần sự phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, các cấp, ngành chức năng trong xử lý khoản nợ. Đâu đó việc phối hợp này phải có sự chỉ đạo từ bên trên. Ví dụ như thành phố, tỉnh xuống cấp huyện xã phường, nơi có khách hàng, tài sản khách hàng.
Vấn đề này trước khi triển khai, VAMC đều làm công khai, minh bạch, có văn bản đề nghị phối hợp các cấp, ngành. Nhưng vẫn còn sự chưa đồng bộ trong phối hợp. Đặc biệt là trong hơn 300.000 tỷ đồng nợ xấu mà VAMC quản lý thì vẫn còn mấy trăm trường hợp vướng mắc ở lĩnh vực tòa án, thi hành án. Chúng tôi cũng đã làm việc với các cơ quan này, nhưng tháo gỡ chỉ được theo từng vụ việc...
Vậy cần có thêm những điều kiện gì về mặt chính sách và nội lực của các tổ chức tín dụng để tạo dựng thị trường mua bán nợ, thưa ông?Thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện vẫn chưa hình thành rõ nét. Thị trường mua bán nợ cũng giống như cái chợ, có người mua bán, thỏa thuận giá.
Chúng tôi đã chỉ đạo là xây dựng ngay một hệ thống công nghệ thông tin để kết nối được quản lý các khoản nợ của VAMC và các tổ chức tín dụng, đưa lên hệ thống mạng. Và tới đây, căn cứ các dữ liệu như vậy, chính là hàng hóa đưa ra thị trường; từ việc công khai minh bạch từng khoản nợ xấu, thực trạng, những tài sản, sản xuất kinh doanh của khách hàng, đưa thông tin lên mạng để không chỉ là khách hàng trong nước mà cả ngoài nước có thể tham gia.
Song vấn đề này đang rất cần khuôn khổ pháp lý cho thị trường hoạt động. Chính phủ và các bộ ngành chức năng phải có hướng dẫn rất cụ thể.
Thứ hai là điều kiện về hệ thống tin học để kết nối mạng, kết nối thông tin nhanh nhất, minh bạch nhất để các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước quan tâm có thể mua được nợ xấu. Hai vấn đề đó là cốt yếu. Còn về nguồn lực, ngoài VAMC, ngân hàng thương mại, còn rất cần nguồn lực xã hội trong và ngoài nước mới có thể giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu.
Ông có thể cho biết kế hoạch cụ thể của VAMC trong 2018 sẽ được triển khai như thế nào?
Vừa qua, chúng tôi cũng đã rà soát đánh giá kế hoạch năm 2018. Trong đó, các chỉ tiêu như mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt có thể bằng hoặc giảm so với năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ đẩy mạnh mua nợ theo cơ chế thị trường để mua bán dứt điểm các khoản nợ này, tiếp tục phân loại xử lý cho phù hợp.
Cùng với đó là tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho VAMC, như có trụ sở làm việc phù hợp, gắn với đầu tư trang thiết bị tin học, đảm bảo phân tích, phân loại, đánh giá các khoản nợ, cập nhật thông tin một cách minh bạch, chính xác; phát triển thị trường mua bán nợ, đưa các khoản nợ lên để các cá nhân tổ chức tham gia vào, giải quyết nợ xấu mà VAMC đã mua; kiện toàn đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực cán bộ hiện có.
Chúng tôi đưa kế hoạch mua nợ xấu bằng phát hành theo trái phiếu đặc biệt khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng; mua theo thị trường 3.500 tỷ đồng ở mức tối thiểu, còn thực tế sẽ tùy thuộc vào cấp vốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Mặt khác, chỉ tiêu thu nợ tăng từ 15-20% so với năm 2017 để đảm bảo Nghị quyết 42 về các chỉ đạo của Chính phủ đã ngấm thì phải vận hành nhanh hơn, quyết liệt hơn để thực hiện xử lý dứt điểm nợ xấu…
Xin cảm ơn ông!