Trong đó, tại 4 ngân hàng lớn là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), lãi suất huy động của nhiều kỳ hạn chủ chốt vẫn được giữ ổn định như hồi đầu tháng 9.
Cụ thể, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này duy trì ở mức 5,5-5,6%/năm dành cho các kỳ hạn gửi tiền từ 12 tháng trở lên. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1-3 tháng dao động từ 3,1-3,4%/năm; kỳ hạn 6-9 tháng là 4%/năm.
Tại các ngân hàng thương mại khác, lãi suất cao nhất đang dao động từ 5,4-7,1%/năm. Các ngân hàng duy trì lãi suất cao nhất ở ngưỡng 7-7,1%/năm là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Để hưởng mức lãi suất này, khách hàng cần gửi tiền kỳ hạn 12 hoặc 13 tháng; số tiền gửi phải từ 30 tỷ đồng đối với ACB, 200 tỷ đồng với MSB và 999 tỷ đồng với Techcombank.
Ngoài ra, một số ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất từ 6,8-6,99%/năm như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) là 6,99%/năm, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) 6,9%/năm, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) 6,85%/năm, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 6,8%/năm... Điều kiện áp dụng lãi suất cao nhất tại mỗi ngân hàng tuy khác nhau nhưng điểm chung là dành cho các kỳ hạn gửi dài từ 12 tháng trở lên. Số tiền gửi tối thiểu tại một số ngân hàng cũng quy định phải từ 200-300 tỷ đồng trở lên.
Mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp được cho là để cân đối với việc hạ lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 kéo dài. Tuy vậy, việc cho vay cũng không dễ dàng.
Trong một buổi tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 2 tháng nay ngành ngân hàng đã rất tích cực cho vay nhưng cầu tín dụng còn yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông kỳ vọng cầu tín dụng có thể phục hồi trở lại sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng.
"Tăng trưởng tín dụng đến hết 31/8 đạt 7,18% so với đầu năm. Mục tiêu tín dụng năm nay là 12% nhưng linh hoạt, nếu cần thiết vẫn có thể mở để tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp", ông Tuấn Anh nói.
Về lãi suất cho vay, giới chuyên gia nhìn nhận sẽ vẫn còn dư địa để tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, chỉ giảm lãi suất là chưa đủ.
"Trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang rất dồi dào như hiện nay, việc tiếp tục giảm lãi suất là điều hoàn toàn có thể thực hiện được. Giảm lãi suất đặc biệt có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp có dư nợ hiện hữu tại ngân hàng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tập trung nguồn lực cho phục hồi sản xuất, kinh doanh. Nhưng với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới thì vẫn còn khó khăn", TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định.
Lý giải điều này, ông Hiếu cho biết, lãi suất cho vay tuy giảm nhưng tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng vẫn phải đảm bảo. Do đó, các doanh nghiệp trước kia chưa đáp ứng được tiêu chuẩn cho vay thì nay, khi đang trong trạng thái "ngủ đông", "khát vốn" để trở lại sản xuất, sẽ càng khó để được vay mới.
Do đó, ông Hiếu đề xuất ngành ngân hàng cần lập ra một tổ hợp tín dụng đi kèm với quỹ bảo lãnh tín dụng có tổng hạn mức cho vay lên đến 300.000 tỷ đồng. Tổ hợp này cần có sự tham gia của các ngân hàng với tỷ lệ tham gia khoảng 3% dư nợ của mỗi ngân hàng. Thời hạn cho vay các doanh nghiệp và hộ kinh doanh là 5 năm; trong đó, 2 năm đầu vay tuần hoàn và 3 năm sau trả dần trên dư nợ vay vào cuối năm thứ 2. Điều kiện vay là tín chấp với lãi suất từ 3–5%/năm giúp doanh nghiệp "vượt cạn".
Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/8/2021, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 4,46 triệu tỷ đồng cho 628.662 khách hàng. Lũy kế từ 23/1/2020 đến 31/8/2021, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 26.000 tỷ đồng.
Trong đó, tính riêng từ ngày 15/7/2021 đến 31/8/2021, 16 ngân hàng thương mại chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế đã thực hiện việc giảm lãi suất cho khách hàng vay là 8.865 tỷ đồng, đạt 43,01% so với cam kết với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước công bố, lãi suất cho vay bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7-9,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,4%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (4,5%/năm).
Các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng mặc dù nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành trong năm nay, song những biện pháp hỗ trợ khác như tăng hạn mức tín dụng sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại có thể giảm mặt bằng lãi suất cho vay.