Lý do được cho là thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối cung cấp hàng hóa nhỏ giọt. Mặt khác, do thương nhân cung cấp xăng dầu đưa ra mức chiết khấu quá thấp, nhiều thời điểm chỉ bằng 0 đồng, khiến các đại lý kinh doanh thua lỗ, nên chưa chủ động nhập hàng.
Báo cáo nhanh số 2084/BC-SCT ngày 24/10/2022 của Sở Công Thương Lâm Đồng cho thấy: trong 13 cửa hàng xăng dầu không hoạt động có 2 cửa hàng bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do ngưng hoạt động trên 1 tháng; 3 cửa hàng đã phá dỡ do hết hợp đồng thuê đất hoặc chuyển đổi công năng sử dụng; 2 cửa hàng đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả.
Đáng chú ý, có 3 cửa hàng thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ Lâm Đồng lấy hàng từ Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil đã đóng cửa 25 ngày qua do không có hàng. Còn lại 3 cửa hàng không đủ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp đang làm thủ tục đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh.
Thống kê ngày 24/10 cho thấy, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 12 cửa hàng hết xăng còn dầu, 1 cửa hàng hết dầu, còn xăng. Các đại lý này đã đặt hàng và thông báo khoảng 2- 3 ngày nữa sẽ có hàng trở lại. Có 2 cửa hàng hết cả dầu và xăng, doanh nghiệp đang thanh lý hợp đồng với thương nhân cung cấp cũ để ký hợp đồng với thương nhân cung cấp mới.
Để giải quyết tình trạng khan hiếm xăng dầu trên địa bàn, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu đảm bảo nguồn cung bình quân hàng tháng cho các đại lý bán lẻ xăng cầu nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.
Tỉnh Lâm Đồng hiện có 332 cửa hàng xăng dầu đang hoạt động, thuộc sở hữu của 220 doanh nghiệp. Có 2 doanh nghiệp đầu mối là Công ty Xăng dầu Lâm Đồng và Công ty Dương Đông Tây Nguyên; trong đó, Công ty TNHH Xăng dầu Lâm Đồng là đơn vị có số lượng cửa hàng lớn nhất và địa bàn hoạt động rộng nhất với 53 cửa hàng bán lẻ và 30 cửa hàng nhượng quyền bán lẻ. Ngoài ra, có 26 thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối của địa phương khác cung ứng cho các đại lý bán lẻ theo hợp đồng.
Từ đầu năm đến ngày 15/10/2022, lực lượng Quản lý thị trường cùng các Đoàn liên ngành, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức kiểm tra, thanh tra 143 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; trong số đó có 32 doanh nghiệp vi phạm chủ yếu về hành vi niêm yết hàng hóa, điều kiện kinh doanh; không đăng ký thời gian bán hàng, không bán hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận cho ngưng bán hàng bằng văn bản; mua bán xăng dầu ngoài hệ thống; chất lượng xăng dầu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng...
Các sở, ngành và lực lượng chức năng đã lập biên bản, xử phạt với tổng số tiền hơn 637 triệu đồng; đồng thời, buộc nộp số lợi bất hợp pháp trên 61 triệu đồng...