Cá biệt có nhiều nhà vườn đã xuất bán hết số chậu cây, phục vụ nhu cầu chơi cây cảnh dịp Tết của người dân trong và ngoài tỉnh.
Dọc quốc lộ 39A, đoạn qua xã Minh Tân, hầu như gia đình nào cũng làm nghề trồng cây phát lộc. Cây thuộc dòng vạn niên thanh, có nhiều đốt, sống khỏe, dễ chăm sóc. Khi cắm vào chậu, chỉ cần có nước, cây rất dễ đâm chồi nảy lộc. Cũng như tên gọi của nó, cây phát lộc mang ý nghĩa biểu trưng cho sự tài lộc nên được người dân ưa chuộng. Những ngày này, về xã Minh Tân đâu đâu cũng thấy hàng dài xe tải chờ bốc từng chậu cây phát lộc đi phân phối các tỉnh, phục vụ nhu cầu dịp Tết.
Nghề trồng cây phát lộc xuất phát từ thôn Đình Phùng, xã Minh Tân, sau phát triển mạnh sang các thôn lân cận; trong đó, tập trung nhiều nhất tại 3 thôn Đình Phùng, Duy Tân và Hưng Sơn. Bởi thế nhiều người gọi thôn Đình Phùng – nơi khởi phát của nghề là “làng phát lộc”.
Là một trong những hộ dân trồng nhiều cây phát lộc nhất trong xã, anh Nguyễn Văn Giảng, thôn Duy Tân, xã Minh Tân cho biết, gia đình anh nhận thuê lại của các hộ dân trong xã với tổng diện tích trên 1,5 ha cây phát lộc. Cây được trồng vào thời điểm tháng 8 hàng năm và 1 năm sau mới cho thu hoạch. Trung bình mỗi vụ Tết gia đình anh cung ứng ra thị trường khoảng 5.000 chậu cây với đủ các hình dạng, mẫu mã như hình tháp, lộc bình, hồ lô, dạng thuyền, quạt; trong đó, chậu cây hình tháp từ 3 đến 17 tầng thu hút khách hơn cả.
Nghề làm cây phát lộc có thể làm quanh năm nhưng bắt đầu từ tháng 9 âm lịch là lúc cao điểm làm hàng phục vụ thị trường Tết và từ tháng 11 âm lịch các thương lái khắp nơi sẽ đổ về thu mua ồ ạt. Nhiều hộ dân phải làm ngày, làm đêm mới kịp đủ số hàng thương lái yêu cầu. Anh Giảng cho biết, gia đình anh phải thuê thêm 5 lao động, mỗi ngày sản xuất được gần 100 chậu cây các loại. Có ngày cao điểm gia đình anh xuất bán từ 200 đến 300 chậu cây đi khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Trước đây người dân xã Minh Tân cũng gắn bó với nghề trồng lúa, tuy nhiên chân ruộng cao, sản xuất lúa kém hiệu quả nên bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang các loại cây cảnh, đào, quất và cây phát lộc.
Bà Nguyễn Thị Huệ, thôn Đình Phùng, xã Minh Tân có 3 cơ sở chuyên kinh doanh cây phát lộc. Mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 6.000 chậu cây, thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm. Bà cho biết, sản phẩm được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay là tháp phát lộc; trong đó, tháp thấp nhất là 3 tầng rồi lần lượt 5 tầng, 7 tầng, 11 tầng và cao nhất 17 tầng với chiều cao trên 1,8 mét. Giá cả dao động từ 200 nghìn đồng đến vài triệu đồng mỗi chậu, tùy theo mức độ gia công của sản phẩm.
Đặc biệt, các tầng tháp toàn ứng với con số lẻ bởi theo quan niệm dân gian, số lẻ nghĩa là còn phát triển lên, hoàn thiện hơn như kỳ vọng vào sự phát triển hơn của gia chủ. Mỗi cây được ghép với mắt cây hướng ra phía ngoài, thuận lợi cho việc đâm chồi, nảy lộc. Khi tháp đã ghép xong, người dân dùng xi măng trắng bịt đầu rỗng của những đoạn thân cây phát lộc, toàn bộ công việc đều được làm thủ công chứ không có sự trợ giúp của bất cứ thứ máy móc nào. Để làm được cây phát lộc đẹp cần sự cẩn trọng và khéo léo trong các công đoạn ngay từ khâu sắp xếp, chọn các cây thân to, nhỏ, non, già đều nhau.
Ông Vũ Quang Điện, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân cho biết, hiện nay xã có trên 20 ha diện tích trồng cây phát lộc với gần 200 hộ dân tham gia sản xuất. So với canh tác lúa trước đây, nghề trồng cây phát lộc cho thu nhập cao hơn từ 3 đến 5 lần. Mặc dù nghề mới phát triển được gần 10 năm nay nhưng đã trở thành nghề chính của người dân địa phương, cho thu nhập cao và ổn định.
Với sản phẩm nổi tiếng từ cây phát lộc nên từ nhiều năm nay khi nhắc đến làng phát lộc tại Thái Bình người ta nhớ ngay đến xã Minh Tân, huyện Đông Hưng. Trung bình mỗi dịp tết cả xã cung ứng ra thị trường hàng vạn chậu cây phát lộc với đa dạng chủng loại, tạo nên nét đặc biệt của làng nghề và mang lại vẻ đẹp cũng như yếu tố tâm linh, mong một năm tài lộc đến mọi người, mọi nhà trong dịp tết cổ truyền.