Mỹ Latinh trở thành 'bến đỗ hoàn hảo' cho tiền điện tử

Giới quan sát cho rằng các loại tiền điện tử đã tìm được điểm đến lý tưởng là Mỹ Latinh, nơi bất ổn chính trị, khủng hoảng kinh tế kéo theo lạm phát và tỷ giá hối đoái thay đổi khó lường, hệ thống ngân hàng hoạt động kém hiệu quả và đắt đỏ, cũng như các hạn chế tài chính đang làm suy yếu các đồng nội tệ.

Chú thích ảnh
Đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhiều quốc gia trong khu vực phụ thuộc đáng kể vào nguồn kiều hối, trong khi đại dịch khiến cuộc sống trở nên bấp bênh còn 60% dân số Mỹ Latinh không có tài khoản ngân hàng. Những yếu tố trên tổng hòa lại khiến Mỹ Latinh trở thành “bến đỗ hoàn hảo” cho các mô hình giao dịch mới sử dụng tiền điện tử, mà hầu hết trong số đó không chịu sự quản lý của các ngân hàng trung ương.

Theo công ty tư vấn bảo mật chuỗi khối (blockchain) Chainalysis, tính đến tháng 8/2021, Argentina, Colombia và Brazil đã nằm trong top 20 quốc gia có tốc độ chấp nhận tài sản kỹ thuật số nhanh nhất thế giới.

Tại Argentina, Chính phủ nước này vào tháng 11 vừa qua đã tuyên bố đánh thuế tất cả các giao dịch tiền điện tử thông qua việc thu một khoản phụ phí đối với các hoạt động tín dụng và ghi nợ trong tài khoản ngân hàng. Bất chấp động thái hạn chế từ chính phủ, nhu cầu tiền điện tử tại Argentina vẫn tiếp tục tăng.

Cũng theo Chainalysis, trong top 10 quốc gia có tốc độ áp dụng tài sản tiền điện tử tăng nhanh nhất, có những nơi ghi nhận đồng tiền mất giá nhiều nhất trong năm như Venezuela, Argentina và Nigeria. Đó là điều kiện để các nền tảng tiền điện tử lớn mạnh, đẩy nhanh sự phát triển của tài chính kỹ thuật số trong nước và khu vực nhằm thúc đẩy một cuộc cách mạng trong việc áp dụng tiền điện tử ở châu lục.

Với mục tiêu đó, Blockchain.com - nền tảng giao dịch tài sản điện tử với gần 80 triệu người dùng trên toàn cầu đã mua nền tảng tài chính cá nhân SeSocio của Argentina với giá 120 triệu USD nhằm tiếp cận các khách hàng không có tài khoản ngân hàng. Một nền tảng giao dịch nổi tiếng khác Binance cũng đã thâm nhập vào Argentina vào tháng 7/2020.

Tại Mexico, chính phủ đã cảnh báo rằng tiền điện tử không phải là “tiền thật”, cảnh báo chúng có thể giúp tài trợ cho tội phạm có tổ chức hoặc gian lận tài chính. Các ngân hàng sẽ bị quy là phạm pháp nếu chấp nhận các giao dịch này. Song “gáo nước lạnh” của chính phủ dường như không mấy tác dụng: Một nghiên cứu của tổ chức tư vấn tài chính về tiền điện tử Finder đã chỉ ra rằng ít nhất 12% dân số Mexico sở hữu tiền điện tử. Số liệu đó đưa quốc gia này lên vị trí thứ 9 trong số các nước có tỷ lệ sở hữu tài sản ảo cao nhất thế giới.

Trái ngược với sự dè chừng của Mexico và Argentina, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức hợp pháp hóa bitcoin. Tổng thống Nayib Bukele tuyên bố tiền điện tử là công cụ giảm chi phí chuyển kiều hối và mở ra cơ hội phát triển cho nền kinh tế El Salvador, trước đó chỉ dùng đồng USD là phương tiện trao đổi duy nhất. Ngày nay El Salvador là quốc gia có số lượng máy ATM Bitcoin lớn thứ 3 trên thế giới với 205 máy, chỉ sau Mỹ (25.365 máy) và Canada (1.984 máy).

Với kế hoạch biến El Salvador thành “phòng thí nghiệm” về tiền điện tử và tự do tài chính, Tổng thống Bukele đã tuyên bố thành lập thành phố Bitcoin đầu tiên trên thế giới với nguồn vốn đầu tư ban đầu sẽ được huy động từ trái phiếu của chính đồng tiền điện tử này. Thành phố với đầy đủ các chức năng như khu dân cư, trung tâm thương mại, nhà hàng, công viên giải trí và hệ thống giao thông dự kiến được quy hoạch tại phía Đông của khu vực La Union, lấy năng lượng địa nhiệt từ một ngọn núi lửa. Người dân không phải chịu khoản thuế nào trừ thuế giá trị gia tăng (VAT) và khoản thuế này sẽ được dùng để trả tiền trái phiếu và xây dựng, bảo trì cơ sở hạ tầng công cộng.

Tại Brazil, một số chính trị gia đã vận động hợp pháp hóa tiền điện tử. Ở thị trường nơi 10% dân số sở hữu tiền điện tử này, Mercado Libre - nền tảng thương mại điện tử được mệnh danh là “Amazon của Mỹ Latinh” đã thông báo sẽ chấp nhận thanh toán tài sản điện tử. Chính sách mới đã được thí điểm từ đầu tháng 11 và sẽ sớm được áp dụng đại trà. 

Tại Colombia, ngân hàng Bancolombia và sàn giao dịch Gemini (có trụ sở tại New York, Mỹ) sẽ bắt đầu thử nghiệm mua và bán tiền điện tử vào 14/12 tới, đánh dấu sự kiện lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ này thực sự tiếp cận với việc sử dụng tiền điện tử có kiểm soát. Trong thời gian thí điểm kéo dài một năm, người dùng có thể giao dịch tiền điện tử trực tiếp với Gemini và sử dụng tài khoản Bancolombia để mua tiền điện tử hoặc chuyển tiền từ Gemini sang ngân hàng.

Điều này có nghĩa là Bancolombia không can thiệp vào giao dịch tiền điện tử, mà thay vào đó sẽ đóng vai trò như một kênh tạo thuận lợi cho giao dịch. Theo Finder, ít nhất 8% dân số Colombia sở hữu tiền điện tử.

Hồng Hạnh (PV TTXVN tại Mexico)
Mỹ: Tin tặc đánh cắp hơn 150 triệu USD từ sàn giao dịch tiền điện tử BitMart  
Mỹ: Tin tặc đánh cắp hơn 150 triệu USD từ sàn giao dịch tiền điện tử BitMart  

Ngày 6/12, sàn giao dịch tiền điện tử BitMart cho biết, tin tặc đã đánh cắp ít nhất 150 triệu USD từ sàn giao dịch tiền điện tử BitMart, cho rằng hành vi trên là “vi phạm an ninh quy mô lớn”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN