Trên đây là con số thống kê trong nghiên cứu mới được công bố ngày 18/11, qua đó phản ánh những nguy cơ tiềm ẩn trong giao dịch tiền điện tử, lĩnh vực đang nở rộ nhưng hầu như chưa được quản lý.
Các nền tảng DeFi cho phép người dùng gửi tiền, vay tiền và tiết kiệm tiền - thường là tiền điện tử - mà không cần phải qua những thể chế tài chính truyền thống như các ngân hàng hay các quỹ tín dụng...
Những người ủng hộ cho rằng công nghệ này giúp tạo ra một hướng tiếp cận mới với các dịch vụ tài chính, có chi phí thấp hơn mà lại hiệu quả hơn. Trong năm 2021, nguồn tiền đổ vào các trang DeFi tăng mạnh, cho thấy các nhà đầu tư ngày càng quan tâm tới các loại tiền điện tử nói chung. Nhiều nhà đầu tư, từng gửi những khoản tiền với lãi suất thấp hoặc hầu như không có lãi, đã nhanh chóng bị thu hút bởi các nền tảng DeFi với những cam kết lãi suất cao.
Theo công ty theo dõi thị trường DeFi Pulse, hiện tổng số tiền đang được giữ tại các nền tảng này có giá trị 86 tỷ USD, cao hơn 7 lần so với con số ghi nhận một năm trước.
Lĩnh vực này cũng thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn, ví dụ như hồi tháng trước, quỹ lương hưu Caisse de depot et placement du Quebec (Canada) đã đầu tư 400 triệu USD cho nền tảng cho vay Celsius Network.
Theo công ty phân tích công nghệ blockchain Elliptic, có trụ sở tại London, khi số lượng người đầu tư tăng thì số các vụ phạm tội trong lĩnh vực hầu như chưa được quản lý một cách phù hợp này cũng tăng. Theo Elliptic, từ năm 2020 đến nay, các hoạt động phạm tội trên các ứng dụng DeFi, các nền tảng cho vay và hoán đổi tiền tệ đã khiến người dùng các ứng dụng này chịu tổn thất hơn 12 tỷ USD. Trong đó, phần lớn thiệt hại được ghi nhận trong năm 2021.
Hồi tháng 8 vừa qua, Poli Network đã bị đánh cắp số tiền điện tử trị giá 610 triệu USD. Đây là vụ mất cắp tiền điện tử lớn nhất từng xảy ra. Sau đó, kẻ gian đã trả lại gần như toàn bộ số tiền này.
Elliptic chỉ ra những vấn đề như lỗi mã hóa và lỗi thiết kế đã tạo kẽ hở cho các tội phạm nhắm tới các trang DeFi. Bên cạnh đó, các nền tảng DeFi thường có những nhóm thanh khoản sâu (deep liquidity pool) bao gồm nhiều loại tài sản kỹ thuật số. Điều này cũng tạo điều kiện cho các tội phạm thực hiện hành vi phạm tội mà không để lại nhiều dấu vết. Không chỉ các vụ phạm tội mà các vụ lừa đảo cũng xảy ra khá phổ biến trên các nền tảng này.
Để trấn an người dùng, các nền tảng DeFi lớn thường cam kết thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường bảo mật như thuê các công ty ngoài đánh giá các mã code để sớm phát hiện những lỗ hổng và củng cố bảo mật các thông tin như mật khẩu và chìa khóa đăng nhập ví tiền điện tử của người dùng.