Không chủ quan nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng Vietcombank đang ở mức 0,61% tổng dư nợ, mức thấp nhất trong các tổ chức tín dụng (TCTD) và cũng thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Còn tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng VietinBank tiếp tục giảm mạnh từ dưới 1,2% (năm 2019) xuống dưới 1% (năm 2020). Ông Trần Minh Bình - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết: Nợ xấu giảm nên tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại VietinBank tiếp tục tăng, từ 120% lên 130%. Hiểu nôm na, với 1 đồng nợ xấu, ngân hàng này có tới 1,3 đồng để dự phòng và sẵn sàng xử lý nếu cần.
Ngoài ra, VietinBank cũng mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại Công ty quản lý tài sản (VAMC) trong chưa đầy 2 năm (từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2020) thay vì 5 năm theo dự kiến. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu giảm trong khi dư nợ tín dụng của VietinBank năm 2020 vẫn tăng trưởng tốt, ước tính tăng 7,7% so với năm 2019. Năm 2021, tổng tài sản VietinBank phấn đấu tăng trưởng khoảng 3% - 6%; tín dụng tăng 8% - 11%; nguồn vốn huy động tăng 10% - 12%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tăng 10% - 20%.
Lãnh đạo nhiều Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) cũng cho biết: Tình hình nợ xấu đang được cải thiện tích cực hơn. Theo ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng Giám đốc OCB, nợ xấu có xu hướng giảm so với giai đoạn giữa năm 2020. Doanh nghiệp đang có xu hướng phục hồi khá nhanh khi dịch bệnh được kiểm soát tích cực. "Khả năng phục hồi sớm của doanh nghiệp có sự hỗ tích cực của Thông tư 01/2020/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng", ông Nguyễn Đình Tùng cho biết.
Tính đến ngày 25/12/2020, tất cả các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 270.000 khách hàng với dư nợ 355.000 tỷ đồng đồng. Con số này tương đương khoảng 4% tổng dư nợ cho vay toàn ngành được cơ cấu và không bị chuyển nhóm nợ. Mặc dù một lượng lớn nợ được giữ nguyên như trên nhưng tỷ lệ nợ xấu toàn ngành được NHNN công bố mới đây vẫn ở mức cao. “Nợ xấu đang được kiểm soát và xử lý quyết liệt bằng nhiều giải pháp, trong đó việc thu hồi nợ được các TCTD thực hiện đạt kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao cũng là tất yếu khách quan trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID- 19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị giảm”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, năm 2021, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên 3,5 - 4%. “Năm nay, có thể kinh tế sẽ tốt lên, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tốt hơn sẽ giảm rủi ro về nợ xấu nhưng số lượng nợ cơ cấu lại của các ngân hàng đang tương đối nhiều. Lượng nợ đang được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN vào khoảng gần 335.000 tỷ đồng. Nếu chia cho tổng dư nợ hiện tại là khoảng 8,5 triệu tỷ đồng, nợ xấu tiềm ẩn từ nợ cơ cấu là 4%. Đây sẽ là thách thức rất lớn đối với các ngân hàng năm 2021”, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Để kiểm soát rủi ro nợ xấu, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị: Bên cạnh việc tích cực xử lý nợ xấu, các ngân hàng cần chủ động trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu và tiềm ẩn nợ xấu. Đối với hoạt động tín dụng, theo quy định hiện hành, với mỗi đồng vốn cho vay, các ngân hàng phải trích lập 0,75% dự phòng rủi ro chung, chưa kể các khoản dự phòng rủi ro cụ thể theo nhóm nợ. Đó là nguồn lực để các ngân hàng xử lý những rủi ro liên quan đến hoạt động cho vay, ngân hàng nào có tỷ lệ trích lập dự phòng bao phủ nợ xấu cao sẽ có nguồn lực đối ứng để xử lý nợ xấu tốt hơn.
“Mặc dù các ngân hàng vẫn đang được thực hiện quy định cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ nhưng để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Còn theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, các khoản nợ xấu tiềm ẩn có thể phát sinh trong tương lai khiến dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh, bào mòn lợi nhuận của ngân hàng nhưng các ngân hàng cũng phải chấp nhận trong bối cảnh hiện nay. Để tránh gặp rủi ro trong vấn đề kiểm soát nợ xấu có thể xảy ra trong tương lai, các ngân hàng cần chủ động tăng trích lập dự phòng rủi ro cho những khoản nợ xấu tiềm ẩn, những khoản nợ xấu đã được cơ cấu lại để phòng xa. Bởi, nếu sau thời điểm Thông tư 01 hết hiệu lực, khách hàng vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng rất mạnh. Nếu những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ xoay sở không kịp.
Sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết: NHNN đang nghiên cứu sửa đổi Thông tư 01/2020 theo hướng để nhiều doanh nghiệp có thể được hỗ trợ hơn trong tình hình mới. Hiện các ngân hàng đã nỗ lực trong việc cắt giảm chi phí, lương nhân viên để tập trung hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Một trong những vấn đề được TS Cấn Văn Lực đặt ra đối với NHNN là việc sửa đổi các quy định liên quan đến cơ cấu lại nhóm nợ tại Thông tư 01. Theo TS Lực, nếu kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ quá, hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ thiếu tính bền vững, khó đảm bảo lâu dài, nếu để thời gian ngắn quá, điều này sẽ gây "cú sốc" cho hệ thống ngân hàng nói chung khi nợ xấu tăng vọt. Do đó, quy định này nên kéo dài đến cuối năm 2021 khi dịch COVID-19 có thể đã kết thúc, tiềm lực của doanh nghiệp, ngân hàng đã vững hơn.
Dù hiện nay đã hết hạn lấy ý kiến đóng góp nhưng Thông tư sửa đổi 01 của NHNN vẫn chưa được ban hành. Nếu Thông tư không được ban hành kịp thời, không ít doanh nghiệp lo sẽ bị liệt vào "danh sách đen" nợ quá hạn, sẽ không thể tiếp tục vay vốn.
Đề cập về vấn đề này, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết: Việc sửa Thông tư 01 sẽ theo hướng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vay vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh chóng. Nhưng bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến an toàn tài chính của các TCTD, kể cả trong ngắn hạn cũng như sự an toàn và lành mạnh của nền tài chính Quốc gia trong trung hạn.
Vì vậy, Thông tư 01 sẽ được xác định một cách hợp lý trong vấn đề cơ cấu lãi các khoản nợ, thời điểm, thời gian, đối tượng và trong đó cũng xác định những khoản trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng nhưng cũng bảo đảm các khoản trích lập này phù hợp với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng. "Sẽ có quy định trích lập trong một thời điểm nào đó, ví dụ trong 3 năm để có thể có thời gian xử lý trích lập cho khoản vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và ngân hàng. Đây là quan điểm của NHNN và Bộ Tài Chính và Thông tư sửa đổi Thông tư 01 sẽ sớm ra đời", ông Đào Minh Tú nói thêm.