Lợi nhuận quý đầu năm nay của các ngân hàng tăng vọt được lý giải thông qua kết quả tăng trưởng tín dụng và thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn so với cùng kỳ. Ngoài ra, các ngân hàng cũng duy trì được tỷ suất biên lợi nhuận tốt.
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2021 của Techcombank mới đây, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết: Giai đoạn năm 2021 - 2025, ngân hàng sẽ tập trung vào các nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất như cho vay mua nhà, tiền gửi không kỳ hạn (CASA), quản lý tài sản và phát huy các thế mạnh như phân khúc khách hàng thu nhập cao, bất động sản, thanh toán. Cùng với đó, ngân hàng sẽ đa dạng hoá nguồn thu, tham gia vào các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai như cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), phát triển hệ sinh thái, đối tác”.
Năm 2021, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 19.800 tỷ đồng, tăng 25,3% so với kết quả năm 2020. Dư nợ tín dụng dự kiến đạt gần 356.200 tỷ đồng, tăng trưởng ít nhất 12% so với năm ngoái và trong mức Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép. Giá trị huy động vốn (bao gồm chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân) dự kiến đạt 334.291 tỷ đồng, tăng trưởng ít nhất 14,7% và phù hợp với tăng trưởng tín dụng thực tế.
Quý I/2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Kienlongbank đạt 702,62 tỷ đồng. “Tăng trưởng nhờ ngân hàng đã phối hợp với khách hàng xử lý toàn bộ tài sản bảo đảm, hoàn thành việc thu hồi nợ gốc và lãi phải thu của các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của STB theo phương án cơ cấu lại Kienlongbank gắn với xử lý nợ xấu đã được NHNN phê duyệt”, bà Trần Tuấn Anh - Tổng Giám đốc Kienlongbank cho biết.
Theo bà Trần Tuấn Anh, Kienlongbank đặt mục tiêu năm 2021 là: Tổng tài sản hợp nhất là 66.800 tỷ đồng (tăng 16,62%); tổng nguồn vốn huy động là 59.400 tỷ đồng (tăng 14,08%); tổng dư nợ cấp tín dụng là 44.600 tỷ đồng (tăng 28,47%); lợi nhuận trước thuế là 1.000 tỷ đồng. Kienlongbank tiếp tục gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng; nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số theo định hướng chiến lược của Kienlongbank giai đoạn 2021 - 2025.
"Năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch tăng tổng tài sản 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5% và có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN: huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến là 7%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng hợp nhất tăng 11% trong đó riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng. Với nền tảng hiện tại, kết quả kinh doanh của Vietcombank sẽ rất khả quan. Về phân phối bảo hiểm qua nhân thọ đạt kết quả, năm ngoái VCB đứng thứ 13 trên thị trường về phân phối bảo hiểm nhân thọ, quý 1/20221 vươn lên vị trí thứ 8 với tổng cộng nguồn thu ghi nhận năm nay là hơn 2.800 tỷ đồng", ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết.
Hành trình số hóa và trải nghiệm khách hàng tiếp tục được VPBank đẩy mạnh và đã mang lại những kết quả rất khả quan. VPBank đã cán mốc 9 triệu giao dịch/tháng trong tháng 3/2021, gấp 2,25 lần so với cùng kì năm 2020 về số lượng giao dịch. Về giá trị giao dịch online đạt 128 nghìn tỷ đồng trong tháng 3/2021, cao gấp 2,2 lần so với cùng kì 2020. Bên cạnh giá trị nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng các tiện ích và lợi ích trong sử dụng sản phẩm dịch vụ, quá trình chuyển đổi số còn giúp ngân hàng tối ưu hóa hệ thống quy trình và vận hành, tinh gọn bộ máy nhân sự và nâng cao năng suất lao động. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp, VPBank tiếp tục củng cố các chỉ tiêu an toàn hoạt động, tăng cường quản trị rủi ro và kiểm soát chất lượng tài sản.
Theo nhiều chuyên gia ngân hàng, mặc dù nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song cũng mở ra nhiều cơ hội, thuận lợi và xu hướng phát triển mới. Với tâm thế đó, định hướng chủ lực trong năm tới của nhiều ngân hàng là tái cơ cấu hoạt động hiệu quả và tạo đột phá trong hoạt động ngân hàng số; triển khai các giải pháp như đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo đề án; đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số và nâng cao năng lực số; tối ưu hiệu quả nguồn vốn và sự dụng vốn; gia tăng quy mô và hiệu quả hoạt động kinh doanh...
“Nền kinh tế đang trong giai đoạn hồi phục, các cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu vay tiền lớn, tín dụng tăng trưởng tốt. Theo thống kê của NHNN con số tăng trưởng tín dụng quý I/2021 là 2,93% là cao hơn nhiều so với con số 1,3% cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó, yếu tố thúc đẩy ngân hàng kỹ thuật số, khiến doanh thu từ dịch vụ cao hơn, đóng góp phần không nhỏ vào lợi nhuận ngân hàng quý I/2021”, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng cho biết.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc đẩy mạnh ngân hàng kỹ thuật số cũng giúp nguồn vốn không kỳ hạn CASA của nhiều ngân hàng tăng tốc, làm chi phí vốn rẻ tạo yếu tố thúc đẩy, góp phần tăng lợi nhuận. Thêm vào đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ bảo hiểm, mở rộng thêm đối tượng khách hàng cũng là yếu tố tăng doanh thu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, lợi nhuận ngân hàng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và một phần trong đó là ‘ảo’ do nợ xấu tăng và không được trích lập đầy đủ theo quy định hiện hành mà ẩn khuất dưới vỏ bọc của Thông tư 01 và 03 của NHNN. "Nếu bắt các ngân hàng giảm lãi suất cho vay để giảm bớt biên độ lai ròng (NIM) có thể khiến họ không có đủ lợi nhuận - như một tấm đệm để xử lý rủi ro tín dụng lúc cần thiết. Hãy xem lợi nhuận đó là room để dự phòng nội bộ khi rủi ro trở thành hiện thực”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế - tài chính, TS Lê Xuân Nghĩa, tín dụng năm 2021 có thể sẽ tăng 14 - 15%. Tín dụng tăng trở lại sẽ giúp các ngân hàng tiếp tục cải thiện lợi nhuận. Ngoài ra, Chính phủ sẽ duy trì tốc độ giải ngân đầu tư công cao và NHNN duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để thúc đẩy kinh tế. Do đó, ngành ngân hàng sẽ là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của nền kinh tế.
“Năm 2020, các ngân hàng khá thận trọng trong cho vay bất động sản, tài sản thế chấp cũng như khoản nợ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nếu năm 2021, bất động sản tiếp tục gặp khó khăn thì nợ xấu ngân hàng khó tránh khỏi tăng lên, song kỳ vọng thị trường nhà đất năm nay sẽ có chuyển biến tích cực. Theo đó, nợ xấu không phải là mối đe dọa lớn”, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết.
Đại diện Công ty cổ phần FinnGroup - chuyên nghiên cứu về tài chính-ngân hàng dự báo: Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2021 của các ngân hàng thương mại niêm yết sẽ ở mức 18,2% (cao hơn năm 2020 là 14,9%). Trong đó, các ngân hàng được dự báo có lợi nhuận tăng mạnh thuộc về nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh như: Vietcombank (14,9%), BIDV (41,3%) và VietinBank (41,9%). “Triển vọng tích cực này đến từ cả hoạt động tín dụng và về doanh thu dịch vụ, trong đó đặc biệt là thu nhập bán chéo bảo hiểm (bancasurance) của nhiều ngân hàng, nhất là các ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, ACB, MSB và HDBank,” đại diện Công ty FinnGroup nhận định.
"Lợi nhuận quý I/2021 không phản ánh đầy đủ, chính xác xu hướng lợi nhuận của cả năm do các ngân hàng chưa trích lập đủ dự phòng rủi ro vì thông thường các ngân hàng trích lập con số khác nhau theo quý và có xu hướng tăng vào thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, NHNN vừa ban hành Thông tư 03 (sửa đổi Thông tư 01) và có hiệu lực từ ngày 17/5 nên nhiều ngân hàng chưa kịp trích lập dự phòng rủi ro theo quy định quý I là 30%. Sang quý II/2021, có thể ngân hàng sẽ phải trích bù", Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định.