Những kết quả khả quan
Thông tin của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: Dòng tín dụng chủ yếu đang tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, chẳng hạn tăng trưởng tín dụng nông lâm thuỷ sản đạt 2,42%; công nghiệp 3,04%... Tín dụng vào chứng khoán trong quý I/2021 đạt 45.300 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020; tín dụng vào bất động sản đạt 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 3%.
Tăng trưởng tín dụng cũng thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của một số ngân hàng. Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 của VietinBank diễn ra sáng 16/4, ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) VietinBank cho biết: Quý I/2021, các chỉ số về an toàn và hiệu quả hoạt động của VietinBank đều tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó các hạng mục thu nhập hoạt động chính đều có sự tăng trưởng trên 25% so với cùng kỳ năm 2020, chi phí hoạt động được quản trị hiệu quả, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) duy trì ở mức hợp lý; chất lượng tài sản được quản lý tốt, tỷ lệ nợ xấu được quản lý ở mức dưới 1%.
Với mức tăng tín dụng quý I//2021 đạt 3,69%, Vietcombank tiếp tục dẫn đầu hệ thống về tăng trưởng tín dụng. Vietcombank được giao hạn mức tăng trưởng tín dụng 10,5% năm 2021. Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Ðảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Vietcombank, NHNN giao chỉ tiêu tín dụng cao cho Vietcombank dựa trên nhiều yếu tố: khả năng tăng tín dụng; nguồn vốn chủ yếu rót vào lĩnh vực ưu tiên; nợ xấu thấp; tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của ngân hàng cũng chỉ ở mức 71% trong khi phần lớn các ngân hàng khác đều hơn 90%. "Với kết quả tăng tín dụng quý I/2021, nếu NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, Vietcombank có thể tăng tín dụng 14% trong năm 2021 này", ông Nghiêm Xuân Thành cho biết.
Đại diện LienVietPost sáng 16/4 cho biết: Quý I/2021, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (mã cổ phiếu LPB) đã đạt lợi nhuận trước thuế 1.112 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết ngày 31/3/2021, tổng tài sản của LienVietPostBank đạt hơn 245.200 tỷ đồng, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt gần 206.300 tỷ đồng. Dư nợ thị trường 1 đạt trên 183.100 tỷ đồng, tăng hơn 6.100 tỷ đồng so với thời điểm kết thúc năm 2020. Đáng chú ý, tỷ trọng tăng trưởng bán lẻ trong tăng trưởng tín dụng của quý I/2021 là hơn 80%, cho thấy định hướng nhất quán của ngân hàng đối với phân khúc bán lẻ.
Trên sàn giao dịch chứng khoán HoSE, cổ phiếu mã LPB nằm trong nhóm cổ phiếu có mức tăng trưởng thị giá cao nhất trong Quý I/2021, tăng gần 40%, từ 12.400 đồng/cổ phần trong phiên giao dịch ngày 31/12/2020 lên 17.350 đồng/cổ phần trong phiên giao dịch ngày 31/03/2021. Và hiện tại đang đạt mức giá gần 19.000 đồng/cổ phần. Theo kế hoạch ngày 29/4 tới LienVietPostBank sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên, dự kiến năm nay, ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 3.200 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả quý I/2021 đạt 1.112 tỷ đồng, LienVietPostBank đã hoàn thành khoảng 35% mục tiêu lợi nhuận trong kế hoạch kinh doanh năm nay.
“Dịch COVID-19 từng bùng phát tại một số địa phương trên cả nước tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, vận tải và du lịch; tiêu thụ sản phẩm nông sản ở một số địa phương vùng dịch gặp nhiều khó khăn…, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, doanh thu và dòng tiền trả nợ của khách hàng, từ đó tác động đến hoạt động tín dụng ngân hàng”, ông Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tính đến cuối tháng 3/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 263 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 353 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1,27 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các TCTD đã cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 3 triệu tỷ đồng cho trên 452 nghìn khách hàng.
Duy trì tăng trưởng, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, thông tin tích cực về chỉ số kinh doanh quý I của hệ thống ngân hàng là cơ sở dự đoán tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ đạt khoảng 12%. Con số này cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Theo TS Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, hiện nay NHNN vẫn điều hành chính sách tín dụng dựa trên tổng mức tăng tín dụng, nhưng linh hoạt trước các diễn biến, cố gắng vừa góp phần vào quá trình phục hồi kinh tế nhưng cũng phải khéo léo để không gây "vỡ trận" về vĩ mô. “Tốc độ tăng trưởng tín dụng những năm gần đây chậm hơn, song mức tăng trưởng không thấp so với những năm trước. Quy mô dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn (hiện khoảng 140%) nên việc kiểm soát tín dụng tăng ở mức 12% năm 2021 là hợp lý. Nếu sự phục hồi của nền kinh tế tốt, tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng từ 11 - 13% năm nay và kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh hơn từ quý II", TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV dự báo.
“VietinBank tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp cân đối nguồn vốn hiệu quả, tiết giảm chi phí vốn để tạo nguồn lực tiếp tục triển khai mạnh mẽ các chính sách ưu đãi, giảm lãi suất cho vay và phí dịch vụ, luôn duy trì mặt bằng lãi suất cho vay, phí dịch vụ ở mức thấp, hợp lý nhất, hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19”, ông Lê Đức Thọ cho biết.
Dư nợ tín dụng VietinBank năm 2021 dự kiến tăng trưởng 7,5%, tuân thủ hạn mức tín dụng NHNN phê duyệt; nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 8 - 12%, có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của NHNN. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng được kiểm soát dưới 1,5%.
Từ nay tới cuối năm, VietinBank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hoạt động kinh doanh, đi liền với cải thiện mạnh mẽ chất lượng và hiệu quả; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng phù hợp đồng thời cân đối nguồn vốn hiệu quả; nâng cao chất lượng quản trị rủi ro, chất lượng tăng trưởng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra kiểm soát nội bộ; đẩy mạnh thu hồi nợ xử đã lý rủi ro, nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản. "Tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN", ông Lê Đức Thọ cho biết.