Thông thường cuối năm, nhu cầu vay ngoại tệ của các doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu tăng cao do đây là thời điểm đẩy mạnh mua nguyên liệu, hàng hóa. Thế nhưng, năm nay lại hoàn toàn ngược, hầu hết các DN đều ngại vay vốn, dẫn đến nhiều ngân hàng “ế” ngoại tệ cuối năm.
Tín dụng ngoại tệ giảm mạnh
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 25/12, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chỉ đạt 160.737 tỷ đồng, chiếm 16,9% trong tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2012 là 22%; năm 2011 là 27,08% và năm 2010 là 27,25%.
Ngân hàng “ế” cho vay ngoại tệ cuối năm. |
Nhiều ngân hàng cho biết, sở dĩ cho vay ngoại tệ giảm là do Thông tư 37 của NHNN ban hành hồi đầu năm về quy định hạn chế DN vay ngoại tệ đã làm cho các DN xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, những DN vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất - kinh doanh để trả nợ vay. Đối với trường hợp vay để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, DN cũng phải có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Trước tình hình trên, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay USD để kích cầu. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đang cho vay USD với lãi suất 3 - 5%/năm cho kỳ ngắn hạn. Cụ thể, HDBank cho vay kỳ hạn 1 - 2 tháng với lãi suất 3%/năm, 3 tháng là 3,5%/năm... và 6 tháng là 4,25%/năm. VietinBank cũng đang cho vay kỳ hạn ngắn với mức lãi suất 3,5 - 5%/năm. Tại các ngân hàng khác như Eximbank, ACB, Sacombank..., lãi suất cho vay ngoại tệ kỳ hạn ngắn dao động trong khoảng 4 - 5,5%/năm.
Tuy nhiên, ông Phạm Hồng Hải, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc Khối ngân hàng toàn cầu, kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn của HSBC Việt Nam, cho biết, để được vay mức lãi suất trên, các DN phải sử dụng các dịch vụ khác do ngân hàng cung cấp. Trong khi đó, tại các ngân hàng nước ngoài, DN có thể vay đô la Mỹ với lãi suất 3 - 4%/năm mà không cần sử dụng dịch vụ của ngân hàng vì các ngân hàng này có ưu thế là có nguồn ngoại tệ giá rẻ từ ngân hàng mẹ.
Không lo thanh khoản
Dù ngân hàng ưu đãi lãi suất cho vay ngoại tệ, nhưng do trong năm qua kinh tế khó khăn, cộng với lãi vay vốn VND đã giảm mạnh trong năm nên nhiều DN chuyển qua vay VND thay vì vay USD để tránh rủi ro tỷ giá. Hiện lãi suất cho vay vốn bằng VND tại Eximbank, ACB, Sacombank... chỉ còn 6%/năm đối với lĩnh vực xuất, nhập khẩu và sản xuất, kinh doanh.
Thừa nhận vấn đề này, ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Thép Việt, cho biết, với chu kỳ sản xuất và tiêu thụ bình thường thì ngay từ đầu tháng 12, các công ty phải tăng cường nhập khẩu nguyên liệu để có sản phẩm gối đầu khoảng 4 tháng. Thế nhưng năm 2013, mức tiêu thụ giảm dẫn đến lượng hàng tồn kho khá lớn. Theo đó, nhu cầu vay USD cũng giảm khoảng 30% so với năm trước. Năm 2014, thị trường xây dựng cũng chưa thể khởi sắc lại nên DN cũng không dám mạo hiểm vay.
Đại diện doanh nghiệp xuất khẩu gốm sứ tại Bình Dương cũng cho hay, mức tiêu thụ năm nay cũng không mạnh như năm ngoái nên Công ty cũng không dám vay USD. Hiện DN chỉ sản xuất cầm chừng và tìm kiếm thêm hợp đồng mới.
Việc DN ngại vay USD cùng với kiều hối về mạnh trong cuối năm đã khiến thanh khoản ngoại tệ ở hệ thống ngân hàng ngày càng dồi dào. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, huy động vốn ở các ngân hàng đạt trên một triệu tỷ đồng và duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tăng 11% so với cuối năm 2012. Trong đó, tiền gửi ngoại tệ đạt 185.458 tỷ đồng, chiếm 16,3% trong tổng huy động vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho biết, diễn biến này phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ, không chỉ phản ánh sự ổn định, hấp dẫn của tiền đồng trong năm 2013 mà còn phù hợp với định hướng điều hành của NHNN về lãi suất, tỷ giá và chuyển dần quan hệ gửi - vay ngoại tệ, sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.
Theo đó, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, sau một thời gian áp dụng chính sách linh hoạt, NHNN hoàn toàn có đủ năng lực để điều hành tỷ giá. Đồng thời, điều này cũng tạo cơ sở để Chính phủ đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ và đề nghị giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và DN, hướng đến mục tiêu năm 2017 - 2018 không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NHTM Việt Nam.
Bài và ảnh: Hải Yên