Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết thị trường 6 tháng đầu năm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh nhìn chung tương đối ổn định, các sản phẩm hàng hóa đều có mức tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ, không xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá.
Đối với mặt hàng thịt lợn trong tháng 4 và tháng 5, thị trường nguyên liệu (lợn hơi) bắt đầu biến động tăng lên mức 40.000 - 50.000 đồng/kg khiến giá thịt lợn về thành phố tăng cao hơn bình thường. Tuy nhiên, thành phố đã kịp thời ổn định nguồn cung để tránh xảy ra hiện tượng găm hàng, sốt giá.
Ngành bán lẻ TP Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng cao bởi nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân thành phố khá cao. Ảnh: CTV |
“Những tháng tới, TP Hồ Chí Minh sẽ bước vào mùa cao điểm về kiểm soát chất lượng hàng hóa, giá cả hàng hóa do đây là thời điểm chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường cuối năm. Vì vậy, để người dân được sử dụng hàng hóa chất lượng cao, đúng giá, ngành công thương TP Hồ Chí Minh cũng đã tăng lượng hàng bình ổn về các khu vực đông dân cư, tích cực kiểm soát giá cả hàng ngày tại các siêu thị, chợ truyền thống. Hiện nay, các đơn vị liên quan tại các địa bàn cũng đã tích cực kiểm tra, kiểm soát giá cả hàng hóa với tiêu chí không để xảy ra tình trạng sốt giá đột biến… Để đảm bảo nguồn cung, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tăng cường đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu với các tỉnh lân cận, tích cực mở rộng điểm bán thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng”, ông Đông cho biết thêm.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa của thành phố ước đạt hơn 328.580 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 65% trong tổng mức bản lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 12,9% so cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ tăng 12%). Trong 6 tháng qua, đơn vị đã triển khai chương trình bình ổn gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và chương trình đã thu hút 90 đơn vị tham gia bao gồm: 78 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và 12 tổ chức tín dụng. So với năm ngoái, năm nay các mặt hàng tham gia chương trình bình ổn phong phú, đa dạng, sản lượng hàng hóa của từng nhóm mặt hàng chiếm khoảng 25 - 40% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 15 - 35% so với năm ngoái.