“Lô hàng mở ra bằng cảm quan và thiết bị kiểm tra, nếu xác định là phế liệu nhập khẩu sẽ cho thông quan ngay. Đối với lô hàng xác định là rác thải thì kiên quyết ngăn chặn theo thẩm quyền được giao”, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nói.
Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn mới về công tác này, thay thế Quyết định 4202/QĐ-TCHQ theo hướng quản lý chặt chẽ, song vẫn đảm bảo tạo thông thoáng cho doanh nghiệp nhập phế liệu nhập phục vụ sản xuất.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết: Tính đến ngày 22/3, số liệu hàng hóa đang lưu giữ tại các cảng biển thuộc cục hải quan các tỉnh, thành phố là 17.216 container, trong đó có 9.463 container lưu giữ quá 90 ngày (số còn lại lưu giữ dưới 90 ngày nên chưa được xác định là hàng hóa tồn đọng). Đối với các container dưới 90 ngày, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan để thông quan theo đúng quy định nên không được xác định là tồn đọng. Đối với các container tồn đọng trên 90 ngày, hải quan tiếp tục thông báo tìm chủ hàng theo quy định.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, thời gian qua, số lượng các container tồn đọng quá 90 ngày không có sự thay đổi lớn so với cuối tháng 6/2018. Hiện nay, trung bình mỗi tuần có khoảng hơn 2.000 container phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam; đồng thời cũng có khoảng hơn 2.000 container được giải quyết thủ tục thông quan.
“Từ tháng 7/2018, Tổng cục Hải quan tăng cường công tác quản lý phế liệu nhập khẩu. Chúng tôi triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đã chủ động chỉ nhập khẩu vào Việt Nam các lô hàng phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định của pháp luật. Không còn hiện tượng các tổ chức, cá nhân vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định của pháp luật vào lãnh thổ Việt Nam sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển”, đại diện Tổng cục Hải quan nói.
Để tiếp tục xử lý phế liệu nhập khẩu tồn đọng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương thành lập Tổ công tác liên ngành để xử lý phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước, theo đúng quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP.
Văn bản 2227/VPCP-KTTH ngày 21/3/2019 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng có nêu: Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), các địa phương thành lập Tổ công tác liên ngành (Bộ Tài chính là tổ trưởng) để xử lý phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng trên cả nước, theo đúng quy định tại Nghị định 29/2018/NĐ-CP về trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và các quy định pháp luật có liên quan.
Bộ TN-MT, sở TN-MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục xem xét, cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp sử dụng phế liệu nhập khẩu để sản xuất các sản phẩm trung gian: phôi kim loại, hạt nhựa, sản phẩm nhựa tái chế thương phẩm nếu đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Riêng đối với nhựa phế liệu, chỉ được nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm trung gian nêu trên đến hết ngày 31/12/2024.