Do đó, các cơ quan chức năng có liên quan đặc biệt là của cơ quan hải quan đã nỗ lực trong việc giải quyết hàng phế liệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp trong việc giải phóng hàng tồn tại cảng, ổn định sản xuất.
Tháo gỡ khó khăn
Theo rà soát của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 22/2, phế liệu lưu giữ tại cảng biển là 21.595 container (giảm 2.589 container so với tháng trước); trong đó, số lượng lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày trên 6.200 container; số lượng tồn đọng (lưu giữ trên 90 ngày) là trên 9.600 container (giảm 224 container so với tháng trước).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Thông tư 08 và 09/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành với tên gọi “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về môi trường” có hiệu lực ngày 29/10/2018, nhằm kiểm soát phế liệu nhập khẩu nhưng “vô tình” trở thành rào cản đối với các doanh nghiệp chờ nguyên liệu sản xuất.
Do vậy, sau hơn 4 tháng kể từ ngày hai thông tư trên có hiệu lực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 01/2019/TT-BTNMT về việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường được quy định tại Thông tư 08 và Thông tư 09.
Nhờ đó, việc thông quan hàng hóa của doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu được thông thoáng hơn, thay vì 1 lô hàng phế liệu nhập khẩu chịu sự kiểm tra của 4 cơ quan, nay chỉ phải chịu sự kiểm tra của 2 cơ quan (tổ chức giám định độc lập và hải quan), do đó đã giảm được rất nhiều chi phí và thời gian thực hiện thủ tục thông quan hàng cho doanh nghiệp so với trước đây.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Hải quan sẵn sàng tiếp nhận thông tin kiến nghị từ các doanh nghiệp, nếu lô hàng nào đã có đủ khả năng thông quan mà vẫn bị gây khó dễ, phiền hà thì Tổng cục sẽ xem xét, xử lý.
Để tránh quá tải, tắc nghẽn hàng tại cảng, cục hải quan các tỉnh, thành phố đã chủ động nhiều giải pháp. Tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn rà soát ngưng tiếp nhận phế liệu không đủ điều kiện về cảng Cát Lái. Đến nay, hàng tồn đọng là phế liệu từ 30 đến 90 ngày tại cảng không phát sinh nhiều.
Ngoài ra, lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu hàng tuần các chi cục rà soát, báo cáo số liệu phế liệu đã xử lý trong tuần để đưa ra các giải pháp cũng như báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết ngay cả đối với hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày vận chuyển từ cảng Cát Lái về cảng Tân Cảng - Hiệp Phước.
Tại cảng Hải Phòng, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cho biết, tính từ 1/2 đến 14/3, Hải quan Hải Phòng đã thông quan cho khoảng 600 container phế liệu giấy, thép, nhựa, kịp thời giúp doanh nghiệp có nguyên liệu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, đơn vị đã làm thủ tục thông quan cho 137 container phế liệu hàng tồn tại cảng.
Ông Trần Ngọc Lân, Phó Phòng Giám sát quản lý về Hải quan (Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) cho biết, cục hải quan thành phố đã chỉ đạo các chi cục kiểm tra, rà soát thông tin khai báo trên hệ thống, thông báo cho các chủ tàu, hãng tàu, đại lý vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh cảng không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với những lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu. Cục Hải quan Hải phòng đã ngăn 2 tàu khai báo là phế liệu gồm 130 container của Công ty cổ phần Thép Việt Ý hạ xuống cảng…
Bên cạnh đó, Cục Hải quan thành phố Hải Phòng cũng tập trung lực lượng giải quyết thủ tục, thông quan nhanh chóng các lô hàng phế liệu đủ điều kiện nhập khẩu, chủ động liên hệ với doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục đối với các lô hàng đã về đến cảng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Lân vẫn còn những khó khăn trong việc giải quyết việc ách tắc phế liệu nhập khẩu như vướng mắc liên quan đến cơ chế, kinh phí xử lý đối với các lô hàng tồn không đủ điều kiện nhập khẩu và chế tài xử phạt đối với các hãng tàu không chấp hành quy định buộc đưa phế liệu không đủ điều nhập khẩu và phế thải ra khỏi lãnh thổ Việt Nam của cơ quan nhà nước.
Kiểm soát chặt phế liệu nhập khẩu
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, từ 1/1/2019, một số quốc gia lân cận đã quyết định hạn chế nhập khẩu nhập khẩu phế liệu. Do đó, đã dẫn đến khả năng năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, thời gian gần đây, một số hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017.
Thống kê mới đây của Bộ Công Thương cũng cho thấy, 2 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu khoảng 525.000 tấn phế liệu sắt thép, trị giá khoảng 149 triệu USD.
Đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này luôn chủ động tra cứu các thông tin về giấy xác nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu trên cổng thông tin một cửa quốc gia để phòng ngừa hành vi làm giả giấy xác nhận. Tổng cục Hải quan đã xây dựng một phần mềm để các chi cục hải quan thực hiện việc cập nhật và theo dõi lượng phế liệu nhập khẩu đảm bảo doanh nghiệp không nhập khẩu quá hạn ngạch số lượng phế liệu được phép nhập khẩu.
Ngoài ra, cơ quan hải quan triển khai các biện pháp ngăn chặn từ xa khi hàng vẫn còn trên tàu, không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.
Ông Trần Ngọc Lân, Phó Phòng Giám sát quản lý về Hải quan (Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) cho biết, để xử lý nghiêm các doanh nghiệp buôn lậu, gian lận, làm giả giấy tờ trong việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam, thời gian tới Cục Hải quan Hải phòng tiếp tục phối hợp cùng với các hàng tàu, đại lý hãng tàu doanh nghiệp kinh doanh kho bãi cảng trong việc ngăn chặn từ xa phế liệu, phế thải, không đủ đều kiện nhập khẩu vào Việt Nam.
Đồng thời, cục tăng cường kiểm tra thực tế hàng hóa kết hợp với việc phân tích giám định của tổ chức giám định được chỉ định nhằm đảm bảo chỉ thông quan các lô hàng phế liệu đáp ứng chủng loại phế liệu được phép nhập khẩu và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã có một số quy chế phối hợp song phương với một số bộ, ngành trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu. Tuy nhiên, các quy chế này là các quy chế phối hợp giữa hai bộ, ngành với nhau nên chỉ giải quyết các công việc trong phạm vi giữa hai cơ quan, không mang tính tổng thể, đồng bộ để có thể giải quyết được nội dung mang tính phối hợp liên ngành giữa các bộ.
Do đó, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, đơn vị đang tập trung xây dựng quy chế phối hợp liên ngành về quản lý nhập khẩu phế liệu trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.