Người dân cho biết, hiện giá các loại cua thương phẩm tăng dao động trên 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cua gạch son từ 400.000 - 450.000 đồng/kg; cua y 250.000 - 300.000 đồng/kg;… tăng trung bình trên 100.000 đồng/kg; trong đó, cua gạch son tăng đến 150.000 đồng/kg.
Theo thương lái tỉnh này, mặc dù giá cua tăng mạnh trong những ngày qua vẫn không thu mua được nguồn cung cấp cho thị trường. Nguyên nhân, do diện tích nuôi cua năm nay không đạt sản lượng. Mặt khác, nhiều diện tích thả nuôi nhưng cua không lớn, nhiều khả năng do môi trường, nguồn nước, thời tiết, con giống…
Hơn nữa, hiện tại chưa đến mùa cua gạch son, trong khi đó nhu cầu thị trường đang tăng mạnh, nhất là sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, cho hệ thống nhà hàng, điểm du lịch đón khách trở lại nên nhu cầu tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với cao điểm xảy ra dịch COVID-19.
Theo các cơ sở kinh doanh, khả năng giá cua biển sẽ còn tiếp tục tăng đến đầu tháng 7 âm lịch, vì thời điểm này vào mùa cua biển, nhất là vào vụ thu hoạch cua gạch son, khi sản lượng dồi dào thì giá cả sẽ ổn định lại.
Trước giá cua tăng mạnh trong những ngày qua, người dân rất phấn khởi, đẩy mạnh đầu tư mở rộng diện tích nuôi. “Ăn theo” đó, giá cua giống cũng tăng theo, sức mua mạnh, nhiều cơ sở đẩy mạnh sản xuất con giống cung cấp cho người nuôi.
Xác định được lợi ích kinh tế mang lại từ cua biển, đặc biệt cua là một trong những con nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao, chỉ sau con tôm, lại ít rủi ro. Những năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích nuôi cua biển, kết quả đã có không ít mô hình nuôi đạt hiệu quả, kinh tế mang lại giúp nhiều hộ khấm khá lên.
Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 130.000 ha, trong đó phần lớn diện tích nuôi tôm kết hợp nuôi cua. Năm 2019, diện tích nuôi chuyên canh cua, cá và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao lên hơn 4.300 ha, cho sản lượng cua khoảng 3.000 tấn/năm.