Nông dân Trà Vinh phấn khởi vì giá cua biển tăng cao

Nông dân nuôi cua biển ở các vùng ven biển thuộc các huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải, thị xã Duyên Hải và Trà Cú của tỉnh Trà Vinh, rất phấn khởi vì hiện giá cua thương phẩm trong 7 ngày qua liên tục tăng cao.

Cụ thể, cua gạch và cua thịt loại I (2 - 4 con/kg) được thương lái thu mua với giá 0.000 - 400.000 đồng/kg, cua thịt loại II (3 - 4 con/kg) có giá từ 270.000 - 300.000 đồng/kg, cua cái so có giá từ 250.000 - 260.000 đồng/kg. Với giá cua thương phẩm các loại như hiện tại so với thời điểm trước đó, tăng bình quần từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Hậu, một chủ vựa cua ở chợ tỉnh Trà Vinh cho biết, thị trường giá cua biển thương phẩm trong một năm thường tăng cao vào các dịp Tết Nguyên đán, dịp lễ 30/4, Trung thu và lễ Quốc khánh 2/9.

Theo anh Hậu, năm nay là năm cua biển thương phẩm có giá ổn định với mức cao hơn hơn năm trước. Từ dịp lễ 30/4, giá cua biển các loại đã tăng và ổn định đến đầu tháng 8, với mức giá  như: cua gạch và cua thịt loại I có giá từ 300.000 - 350.000 đồng/kg, cua thịt loại II có giá từ 230.000 - 250.000 đồng/kg, cua cái so có giá từ 175.000 - 200.000 đồng/kg.

Việc cua biển thương phẩm tăng cao vào giữa tháng 8 này có phần nguyên  nhân do ảnh hưởng của cơn bão 3, sản lượng khai thác các loại hải sản từ biển như: ghẹ, tôm, mực,… hạn chế, nên cua biển được thị trường tiêu thụ mạnh.

Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh luôn khuyến cáo nông dân ở các vùng ven biển chọn con cua biển làm đối tượng nuôi để thay thế 1 vụ nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng trong năm, nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng về thời tiết và tác động môi trường trong thời gian chuyển giao giữa mùa nắng và mùa mưa.

Cụ thể như năm nay, lịch thả tôm giống trên địa bàn tỉnh được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo thả tôm giống rãi vụ  và thời điểm thích hợp nhất từ tháng 8 đến tháng 9.

Cua biển rất dễ nuôi, sinh trưởng tốt kể cả trong điều kiện bị tác động xấu về thời tiết môi trường như độ mặn tăng cao đột ngột, sự thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm. Nuôi cua biển không đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, thức ăn cho cua chủ yếu là thức ăn từ nguồn cá tạp, hến, còng…, nên nuôi cua biển  cho nguồn lợi nhuận rất ổn định.

Ông Nguyễn Văn Cần, ở ấp Hai Thủ, xã Long Hòa, huyện Châu Thành cho biết, 5 năm nay, gia đình ông đều nuôi 1 vụ cua biển và 1 vụ tôm sú trong diện tích 0,3 ha ao nuôi. Sau 4 tháng nuôi, sản lượng cua biển đạt hơn 300 kg. Với giá cua biển bán xô 200.000 đồng/kg, ông thu lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Còn với giá cua như hiện tại, mức lợi nhuận lên đến gần 40 triệu đồng.

Năm nay, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, diện tích nuôi cua biển trong tỉnh hơn 8.500 ha, tăng hơn so cùng kỳ năm trước khoảng 500 ha; trong này có hơn 30% diện tích nuôi thâm canh, năng suất đạt từ 0,8 - 1,2 tấn/ha. Ước tính từ đầu năm đến nay sản lượng cua biển đã thu hoạch trên 9.000 tấn.

Phúc Sơn (TTXVN)
Nhãn hiệu 'cua biển Năm Căn - Cà Mau' bị xâm phạm
Nhãn hiệu 'cua biển Năm Căn - Cà Mau' bị xâm phạm

Theo Hội Thuỷ sản huyện Năm Căn, với chất lượng vượt trội, từ lâu cua Năm Căn được mệnh danh là cua ngon nhất ở tỉnh Cà Mau. Từ đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cua Năm Căn - Cà Mau vào năm 2015 và Hội Thủy sản huyện Năm Căn là đơn vị được trao quyền làm chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể này. Tuy nhiên, nhãn hiệu tập thể này đang bị xâm phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN