Tuy vậy, với ưu thế giao dịch hai chiều, dòng tiền đầu tư đến thị trường vẫn có sự gia tăng, thể hiện qua mức tăng hơn 8% so với tuần trước đó, trung bình đạt trên 3.900 tỷ đồng/ngày.
Kim loại, năng lượng là hai nhóm dẫn dắt xu hướng chung của toàn thị trường với 13 trên tổng số 15 mặt hàng đồng loạt đóng cửa giảm. Trong đó, nhiều mặt hàng ghi nhận các mức giảm rất sâu từ 5 - 13%.
Giá dầu mở cửa tăng vọt hơn 3 USD/thùng
Kết thúc tuần giao dịch 2 - 8/10, giá dầu lao dốc hơn 8%, gần như xoá bỏ mọi mức tăng tích luỹ kể từ đầu tháng 9. Nguyên nhân chính là do các sức ép từ yếu tố kinh tế vĩ mô và nhu cầu suy yếu lấn át lo ngại nguồn cung thu hẹp. Ngoài ra, thị trường cũng đón nhận tín hiệu cho thấy sản lượng từ một số quốc gia sản xuất gia tăng, bù đắp một phần sự thiếu hụt trên thị trường.
Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 8,81% trong tuần qua xuống 82,79 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 12 chốt phiên tại mức giá 84,58 USD/thùng, giảm 8,26%.
Trong tuần trước, tâm điểm cuộc họp trực tuyến của Bộ trưởng năng lượng các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh (OPEC+) kết thúc mà không có bất ngờ đáng chú ý. Saudi Arabia và Nga sẽ tiếp tục thực hiện biện pháp cắt giảm nguồn cung tự nguyện, tổng cộng 1,3 triệu thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2023.
Thông tin này không mang lại sự bất ngờ cho thị trường. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã phản ứng với một số tín hiệu cho thấy nhu cầu đang chững lại ở một số quốc gia tiêu thụ nhiên liệu lớn.
Báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho xăng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh 6,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 29/9, cao hơn nhiều so với mức dự đoán tăng 200.000 thùng theo khảo sát từ Reuters. Lượng xăng thành phẩm được cung cấp cho động cơ, đại diện cho nhu cầu, cũng đã giảm hơn 600.000 thùng/ngày trong tuần trước xuống khoảng 8 triệu thùng/ngày, đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm nay.
Bên cạnh sự suy yếu từ phía nhu cầu, giá dầu cũng chịu sức ép từ yếu tố kinh tế vĩ mô. Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ trong tháng 9 đang tạo thêm không gian cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, hoặc giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn nhằm kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy tổng số việc làm trong bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 9 của Mỹ tăng 336.000, cao hơn nhiều so với mức dự báo 170.000. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ 10 năm tăng 22 điểm cơ bản lên 4,7% trong tuần qua, thể hiện kỳ vọng lãi suất cao còn duy trì dài hạn. Điều này đã làm gia tăng áp lực tới giá dầu.
Về phía nguồn cung, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ, Alparslan Bayraktar, cho biết đường ống dẫn dầu thô từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ với công suất vận chuyển khoảng 0,5% tổng sản lượng dầu thế giới, tương đương khoảng 400.000 - 500.000 thùng/ngày đã sẵn sàng hoạt động.
Trong bối cảnh thị trường đang trong trạng thái thắt chặt, sự bổ sung nguồn cung từ đường ống dẫn dầu Iraq - Thổ Nhĩ Kỹ góp phần làm giảm bớt áp lực thâm hụt, gây sức ép lên giá dầu.
Trong khi đó, tại Saudi Arabia và Nga, dữ liệu theo dõi tàu chở dầu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Saudi Arabia đã tăng hơn 800.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trong khi đó, lưu lượng từ các cảng Baltic và Biển Đen quan trọng của Nga tăng khoảng 325.000 thùng/ngày.
Theo thông tin cập nhật mới nhất, sáng nay, giá dầu mở cửa tăng vọt hơn 3 USD/thùng trong bối cảnh lo ngại căng thẳng leo thang tại Israel, đe dọa dòng chảy năng lượng trong khu vực. Theo các nhà quan sát thị trường, mặc dù Israel và Palestine không phải là những nhà sản xuất hoặc tiêu thụ dầu lớn, nhưng cuộc xung đột vẫn có thể đe dọa dòng chảy dầu của khu vực Trung Đông nếu kéo dài.
MXV cho biết tuần này, nhóm năng lượng sẽ tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường. Không chỉ bởi ba báo cáo tháng 10 từ ba tổ chức hàng đầu bao gồm EIA, OPEC và Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) sẽ đồng loạt phát hành vào giữa tuần, mà còn bởi cuộc xung đột đang diễn ra ở Israel.
Các nhà đầu tư cần phải đặc biệt theo sát thông tin này, bởi bất kỳ dấu hiệu lan rộng nào của cuộc xung đột, có thể sẽ khiến giá dầu tăng bất thường. Trong điều kiện thị trường như hiện tại, MXV khuyến nghị các Thành viên và nhà đầu tư cần đảm bảo tỷ lệ ký quỹ ở mức an toàn, để tránh các rủi ro khi thị trường biến động.
Áp lực đè nặng lên giá kim loại quý
Khép lại tuần giao dịch 2 - 8/10, ngoại trừ thiếc LME, tất cả các mặt hàng kim loại còn lại đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Trong nhóm kim loại quý, cả ba mặt hàng đều duy trì đà giảm sang tuần thứ hai liên tiếp. Cụ thể, giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm khi giảm 3,76% xuống 881,5 USD/ounce, mức thấp nhất trong vòng 11 tháng. Trong khi đó, giá bạc giảm 3,24%, đóng cửa tuần tại mức 21,72 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2023. Giá vàng có mức giảm thấp nhất nhóm khi giảm 0,87% xuống 1.832,26 USD/ounce.
Trong các phiên đầu tuần, đồng USD tăng mạnh trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao đã khiến giá bạc và bạch kim liên tục gặp sức ép.
Tuy vậy, giá bạc và bạch kim đã phục hồi tích cực trong phiên cuối tuần khi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 9 của Mỹ cho thấy tăng trưởng tiền lương vẫn ổn định. Áp lực lạm phát tiền lương nhẹ bớt sẽ giúp cởi bỏ áp lực lên chỉ số lạm phát toàn phần và tăng kỳ vọng FED tạm ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11. Điều này khiến đồng USD suy yếu và các mặt hàng kim loại quý do đó cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên, mức giảm mạnh trong các phiên đầu tuần đã khiến giá bạc và bạch kim vẫn đóng cửa tuần trong sắc đỏ.
Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 2,94%, trong khi giá quặng sắt trên Sở Giao dịch Singapore nối dài đà giảm sang tuần thứ ba liên tiếp khi giảm 1,71%, đóng cửa tuần tại mức 117,56 USD/tấn.
Trong tuần trước, nhóm kim loại cơ bản phải chịu áp lực từ cả yếu tố vĩ mô và yếu tố cung - cầu. Một mặt, đồng USD liên tục tăng mạnh khiến cho chi phí đầu tư và mua hàng vật chất trở nên đắt đỏ hơn, làm giảm sức mua các mặt hàng.
Mặt khác, yếu tố tiêu thụ kém sắc khiến giá đồng và quặng sắt phải chịu sức ép. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, vẫn đang là lực cản chính cản trở tiêu thụ đồng hay sắt thép. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc đóng cửa nghỉ lễ trong cả tuần trước càng khiến nhu cầu trở nên trầm lắng.
Bên cạnh đó, đối với thị trường đồng, yếu tố tiêu thụ kém sắc trong khi nguồn cung ổn định đã gây áp lực bán mạnh. Cụ thể, dữ liệu gần đây đã chỉ ra sản lượng đồng tháng 8 của Chile và Peru, hai quốc gia khai thác đồng lớn nhất thế giới, tăng lần lượt 2,7% và 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Hơn nữa, thị trường đồng tinh chế dự kiến sẽ thặng dư 467.000 tấn vào năm 2024, do nguồn cung tăng cao từ Indonesia, Ấn Độ và Mỹ, theo Báo cáo của Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố ngày 4/10.
MXV cho biết tuần này, các dữ liệu quan trọng từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới diễn biến giá hàng hoá, đặc biệt là nhóm kim loại.
Thị trường sẽ hướng sự chú ý vào dữ liệu lạm phát của Mỹ tháng 9 được công bố ngày 12/10. Báo cáo CPI tháng 9 là dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng trước khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bước vào cuộc họp tiếp theo vào đầu tháng 11.
Báo cáo lạm phát giá tiêu dùng cá nhân (PCE) được công bố trước đó cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt, nhưng chưa đủ để FED có thể thay đổi lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn. Do vậy, nếu báo cáo lạm phát CPI chưa cho thấy lạm phát hạ nhiệt một cách rõ ràng, FED có thể tiếp tục tăng lãi suất cao. Dư địa tăng của đồng USD vẫn còn nhiều và đây là một rủi ro có thế khiến giá dầu, giá kim loại bạc, bạch kim, đồng gặp sức ép.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng báo cáo lạm phát tháng 9 công bố ngày 13/10, bao gồm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI).
Hiện tại, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi rõ ràng hơn, với loạt số liệu được công bố trước đó cho thấy sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ tăng nhanh, tín dụng tăng trưởng nhanh hơn dự kiến, trong khi mức giảm xuất khẩu và nhập khẩu được thu hẹp. Nếu dữ liệu CPI và PPI tăng trưởng tích cực lại là yếu tố hỗ trợ giá hàng hoá.