Nhận định chứng khoán tuần tới: Kỳ vọng kéo dài mạch tăng

Cùng với đà tăng của chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam nối tiếp mạch tăng trong tuần qua (từ 5 – 9/10).

Dù mức tăng là không lớn, nhưng tuần qua đã là tuần tăng thứ 4 liên tiếp của VN- Index và là tuần thứ 10 tăng liền mạch của HNX – Index. Cùng với việc đi lên của điểm số thì dòng tiền nội vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường. Trước những diễn biến này, hầu hết các công ty chứng khoán đều đưa ra nhận định tích cực cho diễn biến của tuần giao dịch tới (từ 12 - 16/10)

Thị trường đang “khỏe”

Các nhà phân tích tới từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS nhận định, thị trường vẫn “lầm lũi” đi lên để chinh phục lần lượt từng mức kháng cự từ thấp đến cao. Song, dấu hiệu nhận biết của một xu thế tăng là đáy sau cao hơn đáy trước, tức là sẽ diễn ra những đợt chốt lời ngắn hạn. Lớp nhà đầu tư đã đứng ngoài ở giai đoạn đầu của nhịp hồi phục này sẽ phải lựa chọn liệu có vào ở những nhịp điều chỉnh hay không.

Theo đó, có thể khẳng định thị trường đang rất “khỏe” và đi lên chậm chắc cùng với dòng tiền nội vẫn đang là yếu tố nâng đỡ thị trường hồi phục từng bước một. Đà tăng của thị trường vẫn đang được giữ vững, kỳ vọng xu hướng tăng ngắn hạn đang lớn dần. Vì vậy MBS cho rằng, đà tăng của thị trường tiếp tục để hướng đến mục tiêu 950 điểm.

Cũng có góc nhìn tích cực, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC dự báo, thị trường tuần tới sẽ tiếp tục có diễn biến tích cực trong những phiên đầu tuần. Sau khi vượt qua vùng cản quanh 920 điểm, VN - Index được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 935 - 945 điểm trong ngắn hạn.

Dù vậy, đà tăng của thị trường sẽ đan xen các nhịp điều chỉnh và có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Trong tuần tới, diễn biến thị trường có thể bị biến động mạnh khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10 sẽ diễn ra và phiên giữa tuần. Ngoài ra, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết.

Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC thì có góc nhìn thận trọng hơn khi cho rằng, phiên cuối tuần, VN - Index đã vượt thành công ngưỡng cản 920 điểm sau nhiều phiên thăm dò, tuy nhiên thanh khoản khớp lệnh lại suy giảm đáng kể. Điều này cho thấy, VN - Index đang có điểm tích cực về mặt điểm số nhưng vẫn thể hiện sự thận trọng và chưa thực sự thu hút được dòng tiền mới. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng trước rủi ro bất ngờ, nên hướng đến các cổ phiếu đang có tín hiệu tích cực và nền hỗ trợ tốt.

Thực tế, thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua với thanh khoản tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN - Index tăng 14,09 điểm lên 924 điểm; HNX-Index tăng 2,003 điểm lên 136,91 điểm.

Thanh khoản gia tăng với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng hơn 8.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Chú thích ảnh
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 5,4% lên .883 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cụ thể, giá trị giao dịch trên HOSE tăng 5,4% lên .883 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 12,4% lên 2.335 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 19,4% lên 5.334 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 20,5% lên 390 triệu cổ phiếu.

Dù thị trường vẫn liên tục đi lên, nhưng khối ngoại vẫn liên tiếp bán ròng trong thời gian qua. Tính chung toàn thị trường, tuần qua khối ngoại đã bán ròng tới 718 tỷ đồng.

Với việc thị trường tiếp tục tăng trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự tăng trưởng.

Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 6% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như: HPG tăng 6,7%, HSG tăng 1,6%, NKG tăng 4,8%, DCM tăng 3,4%, DPM tăng 0,9%...

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng tăng 3,9% giá trị vốn hóa. Các mã tăng tiêu biểu như MSN tăng tới 25,9%, SAB tăng 4,6%...

Nhóm tiện ích cộng đồng tăng 2,1% giá trị vốn hóa nhờ lực kéo từ trụ cột trong ngành là GAS tăng 3,3%... Các ngành khác đều có mức tăng nhẹ như: dịch vụ tiêu dùng tăng 1,4%, tài chính tăng 0,9% và dược phẩm và y tế đều tăng 0,9%, nhóm công nghiệp và công nghệ thông tin đều tăng 0,7%), ngân hàng tăng 0,2%.

Ở chiều ngược lại, chỉ còn nhóm dầu khí giảm 0,7% do cổ phiếu trụ cột PLX giảm khá mạnh, ở mức 1,7%... SHS cho biết, trên góc nhìn kỹ thuật, VN - Index kết thúc tuần ở khá gần ngưỡng kháng cự 925 điểm và nếu vượt qua được vùng giá này thì dư địa tăng sẽ tiếp tục được nâng lên với kháng cự tiếp theo quanh ngưỡng 940 điểm.

Công ty chứng khoán này dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (từ 12 -16/10), VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với kháng cự gần nhất quanh 925 và xa hơn quanh 940 điểm.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua diễn biến khá đồng pha với thị trường chứng khoán thế giới. Theo đó, thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm và chỉ số Dow Jones đã có tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng Tám.

Kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế mới

Thị trường chứng khoán Mỹ ghi nhận tuần tăng điểm và chỉ số Dow Jones đã có tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng Tám, nhờ giới đầu tư lại kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế mới sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý sẽ ủng hộ gói viện trợ kinh tế lớn hơn.

Ngay từ đầu tuần (phiên 5/10), thị trường chứng khoán Mỹ đã đảo chiều đi lên so với đà giảm từ cuối tuần trước đó, nhờ kết quả tích cực trong điều trị COVID-19 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

"Điểm tối" duy nhất của tuần giao dịch này là phiên 6/10, khi Tổng thống Donald Trump thông báo đình chỉ các cuộc đàm phán với các nghị sĩ đảng Dân chủ về dự luật cứu trợ mới cho tới sau cuộc bầu cử Tổng thống, khiến cả ba chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đồng loạt giảm sâu.

Hai phiên giao dịch cuối tuần (ngày 8 - 9/10), Phố Wall liên tiếp rực sắc xanh nhờ sự hồi sinh hy vọng về gói kích thích kinh tế của Mỹ liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bất chấp những dấu hiệu trái chiều về tình hình đàm phán ở Washington và lo ngại gia tăng về diễn biến đại dịch ở châu Âu đã dẫn đến những quy định phong tỏa mới.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 161,39 điểm (tương đương 0,6%) lên 28.586,90 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 30,03 điểm (0,9%) lên 3.477,13 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cộng 158,96 điểm (1,4%), lên 11.579,94 điểm.

Tính chung cả tuần qua (từ 5 – 9/10), Dow Jones tăng 3,3%, ghi dấu tuần tăng điểm tốt nhất của chỉ số này kể từ ngày 7/8. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tiến 3,8%, còn chỉ số Nasdaq ghi thêm 4,6%. Đây cũng là tuần tăng mạnh nhất của hai chỉ số này kể từ tháng 7/2020.

Tổng thống Donald Trump nói với Fox Business rằng chính quyền của ông và đảng Dân chủ “đang bắt đầu có một số cuộc thảo luận rất hiệu quả” về gói cứu trợ mới.

Giữa những đồn đoán về khả năng Chính phủ Mỹ sẵn sàng nâng giá trị gói cứu trợ mới lên 1.800 tỷ USD, từ mức 1.600 tỷ USD trong đề xuất trước đó và so với đề xuất 2.200 tỷ USD của Đảng Dân chủ, ông Larry Kudlow, người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, cho biết Tổng thống Trump đã ký vào bản sửa đổi về dự luật cứu trợ.

Thực tế, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các nhà lập pháp nước này đã chi hàng ngàn tỷ USD với nhiều biện pháp khác nhau để giữ nền kinh tế trụ vững trong cuộc khủng hoảng COVID-19.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành gói cứu trợ trị giá 2.200 tỷ USD, bao gồm trợ cấp thất nghiệp và các khoản chi trực tiếp cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng như Fed đều thúc giục Chính phủ đẩy mạnh thêm viện trợ để duy trì đà phục hồi kinh tế.

Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán 9 tháng: Sóng gió và cơ hội
Thị trường chứng khoán 9 tháng: Sóng gió và cơ hội

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 9 tháng nhiều biến động, tạo ra những rủi ro, song cũng không ít những cơ hội đối với giới đầu tư chứng khoán. Dù vậy, nhận định về những tháng cuối năm, giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán trong nước sẽ chịu tác động cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực và có thể sẽ khó tăng mạnh khi chỉ số đã hồi phục gần về thời điểm trước dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN