Kết thúc tuần giao dịch tuần từ 3 - 6/9, VN - Index giảm 9,98 điểm xuống 974,08 điểm; HNX - Index giảm 1,396 điểm xuống 100,92 điểm. Thanh khoản tiếp tục ở mức thấp hơn trung bình 20 tuần với chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn.
Tác động tiêu cực nhất lên chỉ số là VIC khi cổ phiếu này giảm tới 1,9%. Tiếp đến là những mã vốn hóa lớn nhất ngành thực phẩm - đồ uống như: VNM giảm 0,2%, SAB giảm 2,6%, MSN giảm 1,9%...
Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành thép là HPG cũng giảm tới 3,9%, trong khi cổ phiếu đầu ngành hàng không là VJC giảm 1,2%, cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 0,7%.
Ở chiều tăng giá chỉ có một số mã như VHM tăng 2,4% làm lực đỡ cho thị trường.
Như vậy, các mã cổ phiếu đầu ngành đang có diễn biến tiêu cực. Cơ hội hồi phục của các mã này cũng không được đánh giá cao khi mà dòng tiền vẫn “thờ ơ”.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tuần qua cũng diễn biến tiêu cực, với VCB giảm 0,5%, BID giảm 2%, CTG giảm 1,5%, MBB giảm 2,1%, ACB giảm 1,5%. Trong nhóm này, duy nhất chỉ có TCB tăng mạnh tới 3,2%.
Thực tế, những thông tin tích cực của nhóm ngân hàng đã được phản ánh vào giá cổ phiếu và hiện tại nhóm cổ phiếu này đang thiếu thông tin hỗ trợ. Một kịch bản bứt phá của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới có lẽ là khó xảy ra.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tiêu cực khi một loạt mã giảm sâu như: PVS giảm 1,4%, PVD giảm 4,3%, PVC giảm 4,2%, PLX giảm 1,5%, POW giảm 0,8%. Ở chiều tăng giá chỉ còn một số mã như: GAS tăng 0,2%, PVB tăng 3%.
Mặc dù giá cổ phiếu dầu khí thường tăng cùng chiều với giá dầu thế giới, nhưng tuần qua diễn biến của thị trường chung khá tiêu cực. Vì vậy, giá dầu thế giới tăng, nhưng giá cổ phiếu dầu khí vẫn giảm.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,8% trong tuần qua, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 2,6%. Tuy vậy, một số nhà phân tích vẫn có đánh giá không lạc quan về giá dầu trong thời gian tới.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc UBS nhận định, nhu cầu dầu toàn cầu có thể chỉ tăng 900.000 thùng/ngày trong năm 2019 và 2020.
Trong khi đó, các dự báo khác về tăng trưởng nhu cầu dầu đã giảm xuống còn khoảng 1 triệu thùng/ngày so với dự đoán trước đó là khoảng 1,3 triệu thùng/ngày.
Thống kê cũng cho thấy, giá dầu đã giảm khoảng 20% so với mức cao nhất kể từ đầu năm 2019 đến nay (đạt được hồi tháng 4/2019) do những quan ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu dầu.
Theo nhà phân tích Staunovo, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu có thể sẽ giảm hơn nữa khiến giá thấp hơn nhiều. Nhà phân tích này dự báo giá dầu Brent sẽ giao dịch quanh mức 55 USD/thùng vào năm tới. Cùng với căng thẳng thương mại, rủi ro giá dầu giảm trong dài hạn ở mức cao.
Một nhóm cổ phiếu được nhắc tới nhiều thời gian gần đây là nhóm bất động sản khu công nghiệp. Trong quý III/2019, hàng loạt nhóm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán diễn biến “lình xình” hoặc sụt giảm thì cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp lại ngược dòng tăng tới hàng chục %, thậm chí có những mã đã tăng nhiều lần.
Tuy nhiên, dòng cổ phiếu này đang bước vào điều chỉnh và có dấu hiệu chốt lời từ phiên cuối tháng 8 đến nay, nhiều mã cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã giảm tới hàng chục %.
Chỉ tính riêng tuần qua, SZL giảm tới 10%, SNZ giảm 12,2%, SZC giảm 9,3%, TIP (4,2%), VRG (25%)...
Nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp đã có thời gian tăng nhanh và mạnh, đây có thể là nguyên nhân khiến giới đầu từ chốt lời tại nhóm cổ phiếu này.
Dù nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp có tỷ trọng vốn hóa không lớn, nhưng trong thời gian qua tăng mạnh đã giúp tâm lý nhà đầu tư hào hứng hơn. Việc nhóm cổ phiếu này bị chốt lời cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới.
Tuần qua, không chỉ khối nội thận trọng giải ngân, khối ngoại cũng giao dịch ảm đạm khi chỉ mua vào 54,5 triệu cổ phiếu, trị giá 2.083 tỷ đồng, trong khi bán ra 57,4 triệu cổ phiếu, trị giá 2.841 tỷ đồng. Điểm tích cực là tính về giá trị, khối ngoại đã mua ròng trở lại 242,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tuần qua, chứng khoán Việt Nam đi ngược với thế giới. Trong khi chứng khoán Mỹ tăng trưởng thì chứng khoán Việt Nam giảm và giao dịch tẻ nhạt.
Thị trường chứng khoán Mỹ tuần qua bứt phá đi lên trước diễn biến tích cực tại Hong Kong (Trung Quốc), tiến trình đàm phán Brexit, cam kết hỗ trợ nền kinh tế của Fed và gói kích thích mới của Trung Quốc.
Tính chung cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 1,8%, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,5% và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 1,8%.
Thực tế, thị trường chứng khoán thường chịu ảnh hưởng bởi các thông tin vĩ mô trên thế giới và các thông tin trong nước.
Việc đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa đi đến hồi kết và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có cắt giảm lãi suất vào cuối tháng 9 này hay không cũng chưa thể dự đoán khiến giới đầu tư không khỏi lo lắng. Trong khi đó, thông tin trong nước cũng không hẳn là tích cực khi các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, hay việc giá vàng tăng cao sẽ “hút” bớt dòng tiền từ kênh đầu tư chứng khoán sang các kênh đầu tư này.
Theo nhóm phân tích tới từ Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, tuần giao dịch tiếp theo, thông tin thu hút sự chú ý của giới đầu tư có lẽ vẫn sẽ là những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong bối cảnh như vậy, SHS cho rằng những giao dịch trong ngắn hạn, nhà đầu tư vẫn cần sự cẩn thận và chọn lọc nhất định.
Nhóm phân tích tới từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nêu quan điểm, thị trường vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện những nhịp giằng co trong tuần tới cũng như các nhịp rung lắc nếu tình hình thế giới có sự biến động khó lường.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định khá lạc quan khi cho rằng, tuần tới thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh trong những phiên đầu tuần và hồi phục trở lại về cuối tuần. VN - Index sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ vùng 970 điểm. Tại đây, chỉ số có thể sẽ có phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.