Còn động lực tăng
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), với diễn biến hiện tại, chỉ số VN-Index vẫn còn động lực tiếp tục đi lên hướng đến vùng 1.400 điểm nhờ dòng tiền mạnh. Dù vậy, quản trị rủi ro cần được chú trọng trong giai đoạn này với các ngưỡng hỗ trợ cho VN-Index lần lượt là 1.350 điểm và 1.300 điểm.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (BOS), VN-Index đang áp sát ngưỡng kháng cự 1.0 điểm với sự thúc đẩy của dòng tiền.
Dù các chỉ báo kỹ thuật vẫn đang cho tín hiệu về xu thế tăng được duy trì, nhưng độ dốc lớn của các đường tín hiệu đẩy rủi ro lên cao và và khả năng điều chỉnh của chỉ số là hoàn toàn có thể xảy ra.
VN-Index sẽ thử thách ngưỡng kháng cự 1.0 điểm vào đầu tuần tới. Các nhịp tích lũy điều chỉnh có thể sẽ diễn ra trong quá trình chỉ số chinh phục đỉnh cao mới.
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) nhận định, dư địa để thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần tới là không nhiều và những rung lắc cũng như điều chỉnh có thể sớm diễn ra.
Trong tuần giao dịch tiếp theo từ 7 - 11/6, thị trường có thể sẽ xuất hiện những phiên rung lắc khi bên cầm cổ phiếu quyết định chốt lời tại vùng giá hiện tại.
Về diễn biến thị trường tuần qua, các chỉ số chứng khoán và thanh khoản đã tăng lên mốc cao nhất lịch sử giao dịch. Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 53,59 điểm lên 1.374,05 điểm; HNX-Index tăng 19,3 điểm lên 329,76 điểm. Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước với trung bình hơn 31.500 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Giá trị giao dịch trên HOSE tăng 16% lên 133.980 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11,2% lên 4.014 triệu cổ phiếu; giá trị giao dịch trên HNX tăng 48,3% lên 23.918 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 46% lên 1.030 triệu cổ phiếu.
Thị trường tăng điểm mạnh trong tuần qua là nhờ gần như toàn bộ các nhóm ngành trụ cột đều có mức tăng trưởng tích cực. Theo thống kê từ SHS, nhóm cổ phiếu tiện ích cộng đồng tăng mạnh nhất với 9,3% giá trị vốn hóa, chủ yếu do mức tăng của các trụ cột như GAS tăng 11,5%, POW tăng 12%...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dầu khí có mức tăng 8,6% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các cổ phiếu trong ngành hầu hết tăng điểm như PLX tăng 4,4%, BSR tăng 11,5%, PVD tăng 17,4%, PVB tăng 24%, OIL tăng 26%, PVS tăng 26,4%...
Nhóm trụ cột thị trường là ngân hàng cũng tăng 6,9% giá trị vốn hóa. Các mã như TCB tăng 3%, BID tăng 3,9%, VPB tăng 4,5%, VCB tăng 5,3%, CTG tăng 5,5%, SHB tăng 7,6%, MBB tăng 10,2%, ACB tăng 16,5%...
Các ngành khác đều có mức tăng khá tích cực như nhóm tài chính tăng 3% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 1,8%, công nghiệp tăng 1,4%, công nghệ thông tin tăng 3,8%. Ở chiều ngược lại, nhóm hàng tiêu dùng giảm 1,6% giá trị vốn hóa, nhóm dịch vụ tiêu dùng giảm 2,1%.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua đi lên trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát vào mùa Xuân năm ngoái.
Yếu tố chính cho sự phục hồi
Các chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên 4/6 tăng điểm, khi báo cáo việc làm tháng Năm cho thấy thị trường việc làm nước này phục hồi chậm đã giúp các nhà đầu tư bớt lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm rút lại các biện pháp kích thích.
Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,52% lên 34.756,39 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 0,88% lên 4.229,89 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,47%, lên 13.814,49 điểm.
Tính chung cả tuần, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ đều tăng điểm; trong đó, chỉ số Nasdaq tăng tuần thứ ba liên tiếp. Chỉ số Dow Jones tăng 0,7%, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% và chỉ số Nasdaq tăng 0,5%.
Chính sách tiền tệ và tài khóa được xem là yếu tố chính đứng sau sự phục hồi của thị trường chứng khoán và thị trường đạt mức cao chưa từng có kể từ khi đại dịch bùng phát vào mùa Xuân năm ngoái.
Tại châu Á, phiên chiều cuối tuần qua (4/6), các thị trường chứng khoán biến động trái chiều sau khi số liệu khả quan về kinh tế Mỹ củng cố tâm lý lạc quan về đà phục hồi, song cũng làm gia tăng lo ngại Fed sẽ sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 0,4% xuống 28.941,52 điểm. Cùng đà giảm, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,17% xuống 28.918,10 điểm. Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite (Trung Quốc) tăng 0,2% lên 3.591,84 điểm.