Bên cạnh đó, với diễn biến nội tại của thị trường trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết, cùng đà tăng mạnh mẽ của các thị trường chứng khoán trên thế giới đang đem lại kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc trong tuần giao dịch đầu năm Tân Sửu (từ 17 -19/2).
Đà tăng có thể duy trì
Ông Nguyễn Duy Định, chuyên viên chăm sóc khách hàng cao cấp Công ty Chứng khoán MB - MBS cho rằng, chu kỳ của nhiều năm cho thấy 2 tuần sau Tết Nguyên đán thị trường thường tăng điểm và chủ yếu tăng tại nhóm ngân hàng, tài chính.
Năm nay có hơi khác vì dịch COVID-19, tạo ra hệ quả là đầu năm những người cầm tiền không thể đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, chứng khoán là kênh nhanh nhất để đón các dòng tiền này. Bên cạnh đó, chứng khoán thế giới trong mấy ngày gần đây tăng rất mạnh. Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư đã chuẩn bị tốt từ tiền, kiến thức, nhận diện rủi ro cũng như cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Ông Định cho rằng, việc thanh khoản giảm trước Tết Nguyên đán hoàn toàn là hợp lý, thời điểm trước Tết nhà đầu tư muốn rút tiền, cùng đó dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường chậm lại về mặt giao dịch. Những cổ phiếu cần bán nhà đầu tư đã bán, trong khi nhiều nhà đầu tư có tâm lý để sau Tết mua vào cổ phiếu.
Thực tế, tỷ lệ tăng điểm của VN-Index trong 5 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán suốt 20 năm qua chiếm khoảng 65%, cao hơn tỷ lệ giảm điểm.
Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho rằng, diễn biến dịch bệnh không phải là yếu tố chính tác động thị trường, vì nhà đầu tư đã trải qua điều này thường xuyên vào năm 2020, nhưng rút cuộc thị trường vẫn tăng lên ở mốc rất cao. Tuy cũng có những phiên sụt giảm rất mạnh nhưng sau đó lại có mức đi lên rất ấn tượng.
Ông Khánh cho cho rằng, trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh, nhà đầu tư tổ chức cũng chưa có nhiều đột biến để có đủ sức nâng đỡ thị trường thì những nhà đầu tư F0, nhà đầu tư cá nhân trong nước là lực đỡ chính cho thị trường.
Tháng 1/2021, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân cao nhất lịch sử hoạt động thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, sang tháng 2 thanh khoản lại giảm liên tục, cho thấy dòng tiền nhà đầu tư F0 có thể không còn đủ mạnh. Nhà đầu tư F0 là chủ đạo nhưng dòng tiền từ khối nhà đầu tư này lại sụt giảm thì là điều đáng lo ngại, ông Khánh phân tích.
Dù thị trường đáng lo ngại nhưng theo ông Khánh vẫn có những điều tích cực. Hơn nữa, thông tin giãn cách xã hội toàn tỉnh Hải Dương 15 ngày và Hà Nội đóng cửa quán ăn đường phố, trà đá, cà phê từ 0h ngày 16/2, có một số nhà đầu tư lại cho rằng điều này có thể kích hoạt giao dịch online nhiều hơn nữa, giống như việc giãn cách xã hội được thực hiện hồi tháng 4 năm 2020.
“Nhiều nhà đầu tư chia sẻ với tôi rằng điều này có thể kích hoạt dòng tiền đầu tư quay trở lại”, ông Khánh chia sẻ.
Theo ông Khánh, các thị trường chứng khoán thế giới diễn biến rất tích cực, một số thị trường có mức cao nhất hàng chục năm, những thông tin này có thể hỗ trợ cho thị trường trong nước về mặt tâm lý.
Như vậy, tuần tới cần chờ đợi tín hiệu của dòng tiền để đoán biết được xu hướng tiếp theo. “Phải có sự quay trở lại của dòng tiền mới có thể xác nhận xu hướng tăng của thị trường”, ông Khánh nhận định.
Có quan điểm khá tương đồng với vị chuyên gia này, các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) cho rằng, vùng 1.075 điểm đang hỗ trợ tốt cho VN - Index và khả năng chỉ số tiếp tục hướng lên vùng kháng cự gần 1.175 - 1.200 điểm. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch cần cải thiện trở lại để chỉ số chính thức quay lại xu hướng tăng.
Dưới góc nhìn của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng ở các phiên giao dịch đầu năm Tân Sửu và chỉ số VN-Index có thể giao dịch giằng co quanh đường trung bình 20 ngày. Đồng thời, thị trường tiếp tục bước vào giai đoạn tích lũy cho nên mức độ phân hóa kèm thanh khoản thấp có thể sẽ tiếp tục diễn ra.
Điểm tiêu cực là dòng tiền ngắn hạn vẫn duy trì ở mức thấp cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, nhưng Yuanta Việt Nam cho rằng hiện tượng này chưa đáng ngại khi thị trường đang có sự phân hóa rõ nét.
Trong ngắn hạn, xu hướng tăng của thị trường vẫn được duy trì. Do đó, công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mua mới.
Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch cuối cùng năm Canh Tý (từ 8 - 9/2), chỉ số VN - Index giảm 11,98 điểm, trong khi HNX tăng 1,09 điểm. Trong phiên giao dịch 8/9, giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 19.134 tỷ đồng, sang phiên 9/2, giá trị giao dịch giảm mạnh, chỉ còn 14.400 tỷ đồng.
Theo thống kê của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng năm Canh Tý, chỉ số VN-Index hồi phục 31,75 điểm, đóng cửa ở mức 1.114,93 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 4,14 điểm lên mức 224,90 điểm.
VIC, VCB và VHM là 3 mã hỗ trợ tích cực nhất cho mức hồi phục của VN-Index, trong khi ASM, FIT và SII là 3 mã có tác động tiêu cực nhất lên chỉ số này.
Về diễn biến nhóm ngành, tất cả 10 trên 10 chỉ số tăng điểm trong phiên giao dịch cuối cùng năm Canh Tý. Dẫn đầu là ngành viễn thông tăng 4,63% giá trị vốn hóa, do được hỗ trợ bởi FPT với mức tăng 4,63%. Theo sau là ngành tài chính tăng 3,33% giá trị vốn hóa, nhờ VIC tăng 5,15%, VCB tăng 3,29% và VHM tăng 2,22%.
Về giao dịch của khối ngoại vẫn đang là điểm trừ đối với thị trường chứng khoán. Cụ thể, khối này bán ròng mạnh trong 2 phiên cuối cùng của năm Canh Tý.
Theo đó, khối ngoại đã bán ròng tới 1.400 tỷ đồng trong phiên 8/2 và 530 tỷ đồng vào phiên 9/2. Như vậy, chỉ trong 2 ngày tuần cuối cùng năm Canh Tý, khối ngoại bán ròng tới gần 2.000 tỷ đồng.
Những kỷ lục mới
Trong khi thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán thì nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới tăng rất mạnh mẽ.
Phiên giao dịch sáng 16/2, các chỉ số chủ chốt trên sàn chứng khoán Tokyo và Hong Kong (Trung Quốc) đều tăng điểm, nhờ những hy vọng về đà phục hồi kinh tế khi thế giới đẩy nhanh tiêm vaccine COVID.
Đầu phiên này, chỉ số Nikkei tại Tokyo tăng 145,59 điểm lên 30.229,74 điểm, khi các nhà đầu tư tỏ ra lạc quan về triển vọng Nhật Bản chuẩn bị tiến hành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19, qua đó củng cố hy vọng về quá trình bình thường hóa kinh tế.
Bên cạnh đó, thị trường còn được thúc đẩy bởi đà tăng của chứng khoán châu Âu đêm trước, nhờ chương trình mở rộng tiêm chủng vaccine cũng như hy vọng về gói kích thích khổng lồ của Mỹ.
Trong phiên đầu tuần (15/2), chỉ số Nikkei đã đóng cửa trên 30.000 điểm lần đầu tiên kể từ năm 1990. Cùng phiên 15/2, các thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ.
Cùng đà tăng tại Hong Kong, sáng 16/2 chỉ số Hang Seng tăng 502,25 điểm lên 30.675,82 điểm khi các nhà đầu tư trở lại sau kỳ nghỉ cuối tuần để bắt kịp đà tăng của chứng khoán châu Âu đêm trước. Phiên 16/2, các thị trường chứng khoán Trung Quốc Đại lục vẫn đóng cửa nghỉ lễ.
Chốt phiên 15/2, tại châu Âu chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 2,5% lên 6.756,11 điểm, chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tăng 0,4% lên 14.109,48 điểm, còn chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tăng 1,5% lên 5.786,25 điểm.
Theo các chuyên gia, chứng khoán nhận được lực đẩy sau thông tin hơn 15 triệu người ở Anh đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi được bổ nhiệm làm tân Thủ tướng của Italy.
Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA nhận định các nhà đầu tư đang trở nên lạc quan hơn về đà phục hồi của hoạt động thương mại toàn cầu.
Ngày 15/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chấp thuận việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca, qua đó cho phép khởi động việc phân phối những vaccine này tới một số quốc gia nghèo nhất thế giới.
Trợ lý Tổng Giám đốc WHO về tiếp cận dược phẩm, Tiến sỹ Mariangela Simao nhấn mạnh các nước đến nay chưa được tiếp cận với các loại vaccine ngừa COVID-19 cuối cùng sẽ có thể bắt đầu tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người dân có nguy cơ cao, góp phần vào thực hiện mục tiêu phân phối công bằng vaccine.
Trước đó, cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ chốt phiên cuối tuần qua (12/2) ở mức cao kỷ lục, khi các nhà đầu tư lạc quan về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung tại Mỹ.
Chỉ số Dow Jones tăng 27,7 điểm, lên 31.458,4 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,45 điểm, lên 3.934,83 điểm, đánh dấu mức chốt phiên cao kỷ lục thứ hai liên tiếp. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 69,7 điểm, lên 14.095,47 điểm.