Nhiều ngày gần đây, trên các con đường thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, không khó để bắt gặp những tấm biển với cùng nội dung “bán đất”, “bán trại”. Nguyên nhân được cho là khoảng 6 tháng trở lại đây, giá lợn giảm sâu trong thời gian dài khiến người chăn nuôi lao đao vì cạn vốn. Trong khi đó, theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới, giá lợn rất khó khởi sắc do nguồn cung còn quá lớn.
Nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ khốn đốn, buộc phải bán bán đất, bán trại, "treo chuồng" vì đổ nợ. Ảnh: Thanh Tân/TTXVN |
Giá lợn giảm sâu xuống mức kỷ lục kéo dài hơn nửa năm khiến hầu hết các hộ chăn nuôi, đặc biệt là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khốn đốn, buộc phải bán bán đất, bán trại, "treo chuồng" vì đổ nợ. Nhiều hộ chăn nuôi không còn khả năng chi trả nợ ngân hàng và các đại lý cám đã bị siết đất, siết lợn để trừ nợ.
Trại chăn nuôi lợn của gia đình bà Lê Thị Tuyết Linh ở ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung, huyện Thống Nhất rộng hơn 3.000m2 mới được xây dựng khang trang, sạch sẽ nhưng lại đang trong tình trạng vắng bóng lợn, "treo chuồng" vì không còn vốn duy trì đàn. Cuối năm 2015, gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn một tỷ đồng xây dựng mới khu trang trại với hy vọng chăn nuôi một vài năm sẽ trả hết nợ. Tuy nhiên, ngay từ lứa lợn đầu tiên, gia đình bà đã gặp “trái đắng” thua lỗ hơn 900 triệu đồng.
“Khoảng một tuần trước gia đình tôi mới bán “mão” (không cân lợn như thông thường mà chủ hộ chăn nuôi và thương lái thương lượng giá rồi đếm số lợn và quy ra tiền) khoảng gần 300 con lợn. Số tiền bán lợn chưa được cầm tới tay đã bị chủ đại lý cám lấy ngang. Nhìn chuồng trại trống không cũng xót lắm, nhưng hiện tại gia đình không còn đủ khả năng để cầm cự thêm”, bà Linh kể.
Theo bà Linh, hiện tại sổ đỏ của gia đình đang cầm ở ngân hàng và sổ trại lợn đang cầm cho đại lý cám. “Hai tháng nữa nếu gia đình không có tiền trả nợ ngân hàng sẽ bị siết nợ tương tự một số hộ chăn nuôi trong vùng”, bà Linh nói.
Bà Nguyễn Thị Lài, hộ chăn nuôi lợn tại xã Quang Trung, huyện Thống nhất cho biết, cách đây 4 ngày, tất cả số lợn còn lại trong trại của gia đình đều bị chủ đại lý cám xuống siết nợ hết do họ lo sợ gia đình không còn khả năng chi trả tiền cám. “Gia đình chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi lợn, giờ lợn không còn, muốn tái đàn để tiếp tục nuôi nhưng không còn tiền mua giống và duy trì đàn”, bà Lài cho biết.
Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sở dĩ xảy ra tình trạng người dân đua nhau bán đất như hiện nay là do giá lợn xuống quá thấp trong thời gian dài khiến người chăn nuôi đổ nợ, không còn sức giữ đàn. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Đồng Nai có khoảng 30-40% hộ chăn nuôi buộc phải treo trại, bán đất, bán trại để trả nợ, trong số đó hầu hết là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Có những trại do chính chủ rao bán nhưng cũng không ít những trại người rao bán là chủ các đại lý cám siết nợ từ hộ chăn nuôi.
Ông Nguyễn Kim Đoán cho biết, người chăn nuôi đang đứng bên bờ vực phá sản. Theo dự đoán, người chăn nuôi vẫn phải chịu lỗ vì trong vài tháng tới, giá lợn khó khởi sắc do nguồn cung còn nhiều. Nguyên nhân giá lợn giảm mạnh, chủ yếu vẫn do không xuất sang được thị trường Trung Quốc, không tìm được đầu ra cho con lợn. Do đó, không còn cách nào khác buộc người chăn nuôi phải mạnh tay giảm đàn để cắt giảm nguồn cung với hy vọng giá lợn khởi sắc trong vài tháng tới.
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, Hiệp hội vừa có đơn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ngành chăn nuôi. Thời gian qua, để chia sẻ với người chăn nuôi, các bộ, ngành liên quan đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các xe chở lợn lưu thông thuận tiện. Bên cạnh đó kêu gọi các doanh nghiệp thú y, thức ăn chăn nuôi điều chỉnh giá thành… gỡ khó trước mắt cho người chăn nuôi. Sắp tới UBND tỉnh Đồng Nai sẽ có đoàn khảo sát tình hình cụ thể và đưa ra những giải pháp cấp thiết hỗ trợ người chăn nuôi.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chủ trương đàm phán để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Bộ Công Thương đã giới thiệu một doanh nghiệp lớn của Trung Quốc sang khảo sát để ký kết hợp đồng thu mua lợn. Tuy nhiên, đến nay đàm phán mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết, trước thực trạng trên, thời gian qua Sở đã kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn thu mua lợn của nông dân giúp giải quyết những khó khăn trước mắt. Tuy nhiên, số lượng lợn được giải cứu nhờ các doanh nghiệp là không nhiều, điều này khiến giá lợn không có sự thay đổi nhiều.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai khuyến cáo người chăn nuôi mặc dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng không được lơ là việc phòng chống dịch bệnh, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Đồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch hại vật nuôi của tỉnh phải đặc biệt chú ý công tác tiêu độc khử trùng, tiêm phòng, tránh trường hợp phát sinh dịch bệnh.