Kiệt quệ vì dịch bệnh
Theo kiến nghị mới nhất của 150 cơ sở giáo dục tư thục đề nghị Nhà nước xem xét miễn, giảm, giãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí; trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tiền thuê đất và mặt bằng cơ sở giáo dục, bảo hiểm xã hội. Đặc biệt, được miễn nộp tối đa các khoản bảo hiểm, thuế, phí, lệ phí trong thời gian nghỉ hoạt động do dịch COVID-19.
Các đơn vị cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cơ bản, các ngân hàng thương mại xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Các cơ sở này cũng bày tỏ mong muốn ngân hàng chấp thuận các các gói vay ưu đãi dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo với mức lãi ưu đãi từ 3 - 6%/năm năm 2020 và 2021.
Kiến nghị trên cũng đề nghị công nhận tính pháp lý của việc dạy và học trực tuyến cũng như kết quả các chương trình học online; đồng thời tạo điều kiện tối đa để các trường ngoài công lập có thể linh hoạt, chủ động học bù.
Không chỉ giáo dục, ngay cả doanh nghiệp bất động sản lớn cũng đứng trước nguy cơ phá sản khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp khó. Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), từ nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản đã gặp những khó khăn. VNREA đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành xem xét hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, lĩnh vực ngân hàng giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú; giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát; xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Liên quan tới ngành thép, ông Trịnh Khôi Nguyên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay: Từ đầu năm 2020, VSA dự báo xu hướng khó khăn, thách thức với ngành thép. Tiêu thụ sản phẩm thép xây dựng trong 2 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt khoảng 65% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu bằng 80%. Với mặt hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tiêu thụ trong nước đạt gần 70%, xuất khẩu bằng 60%; thép cán nguội bằng 87% và xuất khẩu 43,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Lãnh đạo VSA cho rằng: Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ về chính sách tài chính, tín dụng, giảm lãi suất, giãn nợ; đồng thời, có chỉ đạo, giải pháp trong việc thông quan hàng hóa, đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và vẫn tuân thủ các quy định về đảm bảo phòng dịch. Cùng với đó, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm; đồng thời đa dạng thị trường xuất khẩu để hạn chế thiệt hại.
Khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định gia hạn tiền thuế
Cuối giờ chiều 6/3, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng (GTGT); gia hạn tiền thuế GTGT, thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh; gia hạn tiền thuế đất cho đối tượng hoạt động, sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 như: Du lịch, vận tải, khách sạn, dệt may, da giầy...
Về các giải pháp gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, theo Bộ Tài chính, tại Điều 49 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13, khoản 3 Điều 6 Luật số 71/2014/QH13) quy định: Gia hạn nộp thuế trong trường hợp “không có khả năng nộp thuế đúng hạn do gặp khó khăn đặc biệt khác theo quy định của Chính phủ”. Về thẩm quyền gia hạn nộp thuế, khoản 1 Điều 50 Luật Quản lý thuế (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Luật số 21/2012/QH13) quy định “Chính phủ gia hạn nộp thuế trong trường hợp việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định”.
Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát đề xuất Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền giảm một số khoản phí, lệ phí là đầu vào của sản xuất, kinh doanh.
Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, ngày 28/2, Bộ Tài chính đã có công văn số 2155/BTC-CST gửi các bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị rà soát các khoản phí, lệ phí gắn với các dịch vụ do ngành, lĩnh vực mình quản lý; đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch.
Theo đó, tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 30.000 tỷ đồng. Dự kiến thời điểm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ áp dụng ngay khi Nghị định được Chính phủ ký ban hành và sẽ kết thúc vào cuối năm 2020.
Theo Bộ Tài chính, diễn biến của dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng, phức tạp và khó lường, chưa dự báo được diễn biến, thời điểm kết thúc, quy mô cũng như phạm vi tác động của dịch, đặc biệt dịch đang có nguy cơ bùng phát tại một số thị trường, đối tác quan trọng của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… Ở trong nước, dịch COVID-19 đã có những tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, xã hội, gây thiếu hụt lao động tạm thời, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên, vật liệu đầu vào, gây đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ tháng 2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với nội dung đề xuất của Bộ Tài chính với gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh.