Nhiều thay đổi mới 'cởi trói' cho xuất khẩu cá tra

Với những nội dung có tính đột phá trong chính sách mới của ngành chức năng, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và người chăn nuôi cá tra hy vọng con cá tra Việt Nam sẽ thâm nhập sâu vào thị trường thế giới.

Có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2017, Nghị định 55/2017/NĐ-CP về quản lý nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra sẽ thay thế cho Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra vốn nhận nhiều phản ứng trái chiều. 


Theo đó, sản phẩm cá tra xuất khẩu phải được chế biến từ cơ sở đáp ứng những điều kiện bao gồm: quy định, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong chế biến thủy sản; có Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp; hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các quy định của pháp luật và đảm bảo khả năng truy xuất đến cơ sở nuôi... Ngoài ra sản phẩm cá tra xuất khẩu còn phải đáp ứng những quy định về điều kiện chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm cá tra theo quy định.


"Điểm nổi bật được nhiều doanh nghiệp quan tâm là trình tự, thủ tục hải quan đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu sẽ thực hiện theo quy định của Luật hải quan. Như vậy, trong thời gian tới tổ chức, cá nhân đáp ứng những tiêu chuẩn như quy định sẽ không phải xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện theo quy định khi làm thủ tục xuất khẩu sản phẩm cá tra cho cơ quan hải quan.


Việc xuất khẩu sản phẩm cá tra cũng không phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu qua Hiệp hội cá tra Việt Nam như thời gian trước. Riêng quy định về tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra phải phù hợp với các nhà nhập khẩu vốn bị các doanh nghiệp phản ứng trước kia, trong nghị định mới cũng được loại bỏ", ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết.

Với những thay đổi về chính sách, ngành cá tra hứa hẹn sẽ có những bước phát triển bền vững hơn.

Trước đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 07/2017/TT-BNNPTNT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản cá tra phile đông lạnh đã nâng tỷ lệ mạ băng và hàm lượng nước theo chiều hướng mang lại thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu. Cụ thể, tỷ lệ mạ băng trong cá tra phi lê xuất khẩu không được lớn hơn 20%, cao hơn so với tỷ lệ mạ băng trong quy định cũ khoảng 10%; còn hàm lượng nước tối đa cũng được tăng lên thêm 3% so với quy định cũ, không vượt quá 86% so với khối lượng tịnh.


"Với những thay đổi về chính sách trên đã tạo được khung pháp lý chung về chất lượng cho sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu. Khi Nghị định 55 có hiệu lực, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ giảm được rất nhiều thời gian, chi phí phát sinh không cần thiết. Lĩnh vực nuôi cá tra cũng sẽ được siết chặt quản lý, còn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cũng có những giải pháp hỗ trợ giúp công việc kinh doanh thuận lợi hơn", ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thuỷ sản và Thương mại Thuận Phước, cho hay.


Lê Nghĩa/Báo Tin Tức
Nhu cầu xuất khẩu cá tra sẽ tăng khoảng 20%
Nhu cầu xuất khẩu cá tra sẽ tăng khoảng 20%

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), năm 2017 sẽ là năm chứng kiến sự gia tăng khoảng 20% nhu cầu xuất khẩu cá tra ở hầu hết các thị trường truyền thống cũng như tiềm năng. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang thị trường châu Á, nhất là Trung Quốc sẽ tăng 1,5 lần thị trường Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN