Chế biến ca tra xuất khẩu tại Công ty Hùng Cá, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
|
Hoa Kỳ sẽ cử các đoàn cấp cao sang Việt Nam để trao đổi, hướng dẫn cho Việt Nam về các quy trình, điều kiện để làm sao đảm bảo mức tương đương với quy định của Mỹ trong vòng 18 tháng.
Hiện nay, hai bên đã thống nhất sẽ thành lập nhóm công tác chung, Hoa Kỳ sẽ cử các chuyên gia sang để giúp Việt Nam. Việt Nam cũng đề nghị Hoa Kỳ hỗ trợ một dự án kỹ thuật với danh mục các nội dung cần hỗ trợ kỹ thuật. Sau khi nghiên cứu, Việt Nam cũng đã chuyển cho Hoa Kỳ những câu hỏi, vấn đề khi áp dụng sẽ có vướng mắc và hai bên đã có những trao đổi bước đầu.
Để việc xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam vào Hoa Kỳ được tiếp tục trong thời gian chuyển tiếp (từ 1/3/2016 - 31/8/2017), trước ngày 1/3/2016, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã gửi một số tài liệu pháp lý về việc kiểm soát các sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam và danh sách các doanh nghiệp đang và sẽ tiếp tục xuất khẩu sản phẩm cá thuộc họ Siluriformes vào thị trường Hoa Kỳ.
Theo đó, danh sách có 45 doanh nghiệp; trong đó 23 doanh nghiệp đã xuất khẩu sang Hoa Kỳ và năm nay cũng có hợp đồng xuất khẩu sang thị trường này, 22 doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đến nay, cả 45 doanh nghiệp đã được Hoa Kỳ chấp thuận. Những doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu cần làm thủ tục hồ sơ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và chuyển sang Hoa Kỳ.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, với tinh thần hợp tác và khẩn trương cùng với việc phối hợp với Hoa Kỳ để giải quyết những vấn đề về kỹ thuật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát lại hệ thống quản lý sao cho phù hợp, coi đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cũng như quản lý sản phẩm cá tra tốt hơn; trong đó có sửa đổi Nghị định 36/2014/CP-NĐ về nuôi, chế biến xuất khẩu sản phẩm cá tra.
Trong đàm phán, Việt Nam cũng đấu tranh trong 18 tháng là quá ngắn để Việt Nam có thể được đánh giá tương đương. Hoa Kỳ cũng cho rằng 18 tháng không có nghĩa là tất cả các quy trình, điều kiện Việt Nam đều phải đáp ứng toàn bộ. Sau 18 tháng, một số điều kiện, quy trình cơ bản Việt Nam phải đáp ứng. Còn một số quy định khác do hoàn cảnh, điều kiện, trình độ của Việt Nam cần thiết phải thêm thời gian thì Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét.
“Có nghĩa là không bắt buộc cứng nhắc trong 18 tháng tất cả các quy định, điều kiện của Hoa Kỳ đưa ra Việt Nam phải đáp ứng hoàn toàn”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhận định, năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng. Việt Nam sẽ triển khai tập huấn cho các doanh nghiệp. Từng doanh nghiệp xuất khẩu cũng phải ý thức rằng mức độ kiểm soát, đánh giá của Hoa Kỳ sẽ được siết chặt hơn. Doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trong công tác tự kiểm tra, giám sát và tổ chức sản xuất.
Theo thông báo của Cục Kiểm tra và An toàn thực phẩm Hoa Kỳ (FSIS) tại các buổi làm việc với các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam gần đây, FSIS sẽ chính thức kiểm tra các lô hàng cá tra, basa của Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ ngày 15/4/2016 (tính theo ngày lô hàng đến cảng của Hoa Kỳ). Các lô hàng cá tra, basa nhập khẩu vào Hoa Kỳ vi phạm các yêu cầu về ghi nhãn (tên thương mại, khối lượng tịnh) hoặc kết quả kiểm tra điều kiện vệ sinh lô hàng, chỉ tiêu hóa chất kháng sinh không phù hợp quy định của Hoa Kỳ sẽ không được thông quan.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá chào bán cá tra của Việt Nam đang tăng tại Mỹ, mặc dù chưa thể dự báo gì cho tình hình nhập khẩu cá tra năm nay. Các nhà xuất khẩu cá tra Việt Nam cho biết giá chào bán cá tra tăng 0,10-0,15 USD/kg vì phát sinh những chi phí theo quy định thanh tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có hiệu lực từ ngày 1/3/2016. Theo một số công ty xuất khẩu cá tra Việt Nam, mức giá xuất khỏi Thành phố Hồ Chí Minh hiện tại dao động từ 2,00- 2,05 USD/kg.
Ngày 2/12/2015, Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) đã quyết định ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc Bộ Siluriformes; trong đó có cá tra, basa Việt Nam. Chương trình giám sát cá da trơn được Hoa Kỳ áp dụng từ tháng 3/2016. Kể từ tháng 3/2016, Việt Nam sẽ có 18 tháng chuyển tiếp. Trong 18 tháng này, Việt Nam phải cung cấp các tư liệu để chứng minh Việt Nam có hệ thống quản lý đối với sản xuất, chế biến cá da trơn tương đồng với Hoa Kỳ.