Nhờ lực đỡ nhóm ngân hàng, TTCK mở cửa sắc xanh hướng về vùng 1.290 điểm

Nhờ sự bùng nổ vào cuối phiên hôm trước, cùng sự đóng góp lớn nhất đến từ nhóm ngân hàng và tài nguyên cơ bản, mở đầu phiên giao dịch sáng 21/7, thị trường chứng khoán (TTCK) đã tăng nhanh, trong đó cổ phiếu TCB (+3,8%) là đầu tàu kéo chỉ số (tính đến 9 giờ 24 phút) khi đóng góp 1,32 điểm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường đang hướng tới vùng 1.290 - 1.300 điểm trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, lực cầu vẫn chưa đủ tự tin khiến thanh khoản ở mức thấp và VN-Index chưa thể bứt phá.

Chú thích ảnh
Hầu hết các chỉ số đều tăng điểm dù lực cầu chưa đủ tự tin để giúp VN-Index bứt phá vùng 1.290 điểm.

Trước đó, các nhà đầu tư đã chứng kiến sự bùng nổ của phiên chiều ngày 20/7 với sự tham gia của nhiều nhóm cổ phiếu, trong đó nhóm chứng khoán, ngân hàng đã giúp VN-Index nhẹ nhàng chinh phục thành công ngưỡng cản 1.206 - 1.270 điểm.

Nhờ vậy, mở cửa phiên giao dịch sáng 21/7, TTCK tiếp tục đi lên, sắc xanh lan toả thị trường. Tính đến 11 giờ, VN-Index tăng 6,14 điểm, lên 1.279,58 điểm; VN30 tăng 5,56 điểm, lên 1.416, điểm; HNX tăng 2,11 điểm, lên 303 điểm; HNX-30 tăng 3,23 điểm, lên 471,96 điểm; Upcom tăng 0,88 điểm, lên 87,57 điểm.

Điểm cộng cho thị trường trong phiên hồi phục này là dòng tiền lan tỏa cao khi số mã tăng gấp gần 3 lần số mã giảm. Tuy nhiên, điểm trừ là lực cầu chưa được cải thiện khiến thanh khoản sụt giảm, vì vậy phiên hồi phục này chưa thật sự thuyết phục.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau hàng loạt báo cáo kết quả kinh doanh khả quan cũng tiếp tục duy trì đà tăng, tạo điểm tựa vững chắc cho thị trường. Trong nhóm này, trừ một số mã giảm nhẹ như MSB, VCB, HDB, BID, SSB; còn lại đều tăng giá, trong đó LPB và VIB đang là những mã tăng tốt nhất. Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu, tỷ lệ 12% của LPB và mã này tăng mạnh, có lúc được kéo lên mức trần 24.400 đồng, trước khi hạ nhiệt nhẹ, còn tăng gần 5%.

Trong khi đó, nhóm công ty chứng khoán dù cũng đua nhau báo lãi khủng và đồng loạt tăng mạnh phiên chiều qua, nhưng sáng nay đã có sự phân hóa. SSI sau khi tăng trần hôm qua đã quay đầu điều chỉnh trở lại.

Dù vậy, hướng đi nào cho thị trường chứng khoán trong những ngày cuối cùng tháng 7 đang là câu hỏi bởi sự bùng phát COVID-19 tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang đánh mạnh vào triển vọng tăng trưởng GDP trong 2021. Đối với giới đầu tư, kết quả nửa đầu năm giờ có thể đã là quá khứ khi họ nhìn vào sức ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 trong tháng 7.

Nhìn nhận vấn đề này, một vài CTCK cho rằng, VN-Index có thể duy trì lực cầu trong những phiên tiếp theo kể từ 21/7 và khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nâng dần tỷ trọng cho các vị thế ngắn hạn. Tuy nhiên cũng có những CTCK khuyến nghị nhà đầu tư nên thận trọng quan sát thêm...

Cụ thể, theo ​CTCK Yuanta Việt Nam, tâm lý thị trường được giải toả phần nào khi các chỉ số bật tăng mạnh về cuối phiên ngày 20/7. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 2,4%, dừng tại 1,273.29 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3,1%, dừng tại 301.11 điểm; chỉ số Upcom-Index tăng 1,33%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên cả 3 sàn đạt 19.434 tỷ đồng, sụt giảm gần 18% so với phiên 19/7. Ngoài ra, khối ngoại mua ròng gần tỷ đồng toàn thị trường. PVI (346 tỷ), STB (71 tỷ), HPG (62 tỷ) dẫn đầu ở chiều mua ròng. Ở chiều ngược lại, MSB (121 tỷ), VIC (113 tỷ), NVL (107 tỷ) dẫn đầu ở chiều bán ròng.

Vì vậy, Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục nhẹ và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định vùng kháng cự gần nhất 1.276 – 1.300 điểm (đây là vùng khoảng trống giảm giá được hình thành trong phiên 19/7). Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn hồi phục kỹ thuật và nếu chỉ số VN-Index vượt được vùng kháng cự 1.276 – 1.300 điểm với khối lượng giao dịch trên mức trung bình 620 triệu cổ phiếu thì rủi ro ngắn hạn có thể giảm mạnh và thị trường có thể nhanh chóng tìm điểm cân bằng.

Theo đó, CTCK khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục quan sát thị trường và chưa nên có hành động mua, bán để đánh giá rủi ro ngắn hạn trong phiên tới. Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư có tỷ trọng đòn bẩy cao thì nên hạ lượng đòn bẩy về mức thấp ở các nhịp hồi.

Còn CTCK Agribank (Agriseco) dự đoán, thị trường các phiên tới sẽ dần ổn định trở lại với ngưỡng hỗ trợ 1.250 điểm, dòng tiền sẽ phân hóa vào một số cổ phiếu có câu chuyện riêng. Thị trường giai đoạn này là cơ hội để mua vào những cổ phiếu trụ cột đầu ngành có hoạt động kinh doanh tăng trưởng trong năm 2021 tại những nhịp điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý tới việc kiểm soát rủi ro và hạn chế sử dụng margin, tránh những cổ phiếu mang tính đầu cơ đã tăng nóng để đảm bảo quản trị rủi ro danh mục.

CTCK Vietcombank (VCBS) thì kỳ vọng xu hướng của chỉ số trong ngắn hạn sẽ là dao động trong vùng 1.250 – 1.300 điểm và biên độ dao động của chỉ số sẽ giảm dần trong những phiên tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chuẩn bị cho kịch bản xấu hơn là chỉ số tiếp tục quay trở lại xu hướng giảm và rơi về vùng 1.200 điểm nếu thị trường xuất hiện thông tin bất thường. Nhà đầu tư vẫn nên đề cao sự thận trọng trong giai đoạn này, theo đó chỉ nên giải ngân cho mục tiêu “lướt sóng” ngắn hạn với tỉ trọng nhỏ, mang tính chất thăm dò và sẵn sàng cắt lỗ nếu cổ phiếu biến động tiêu cực ngược kỳ vọng.

Còn CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) dự báo, trong phiên giao dịch 21/7, thị trường có thể sẽ tiếp tục hồi phục với target là ngưỡng kháng cự vừa mang tính tâm lý lẫn kỹ thuật quanh 1.300 điểm. Nhà đầu tư đã nâng tỷ trọng cổ phiếu lên mức trung bình trong phiên 19/7 khi thị trường điều chỉnh về quanh ngưỡng 1.260 điểm nên tiếp tục quan sát thị trường trong các phiên tới kể từ 21/7 và có thể canh chốt lời dần nếu VN-Index tiến vào vùng kháng cự trong khoảng 1.300 - 1.325 điểm.

Tin, ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Sắc xanh bao phủ thị trường chứng khoán đầu phiên đã nhanh chóng vụt tắt sau khi ATO 
Sắc xanh bao phủ thị trường chứng khoán đầu phiên đã nhanh chóng vụt tắt sau khi ATO 

Mở cửa phiên ngày 20/7, thị trường chứng khoán tích cực hơn với sắc xanh, VN-Index tăng hơn 7 điểm sau nhịp lao dốc gần 56 điểm phiên đầu tuần. Tuy nhiên, nhịp hồi ngắn ngủi dưới tác động từ lực cung trong bối cảnh nhà đầu tư chỉ mong muốn thoát hàng, sắc xanh này đã nhanh chóng chuyển thành sắc đỏ với số mã giảm áp đảo. Trong đó, các cổ phiếu trụ lớn như VCB, VIC, VRE, GAS, VPB tiếp tục gây áp lực giảm điểm lên thị trường chung.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN