Tính đến 10 giờ 35 phút, VN-Index giảm 5,17 điểm, còn 1.2 điểm; HNX tăng 0,16 điểm, lên 292 điểm; VN30 giảm 2,06 điểm, còn 1.372 điểm; HNX30 giảm 0,55 điểm, còn 452,77 điểm. Tuy nhiên, càng về cuối phiên, sắc đỏ càng bao rộng trên thị trường trước lực cung lớn.
Trước đó, khoảng 9 giờ 30 phút, độ rộng nghiêng về bên bán tại rổ VN30 với 21 mã giảm và chỉ 6 mã tăng, trong đó MWG và REE là 2 mã duy nhất tiến hơn 1%. Ở chiều ngược lại, GAS, VIC và VRE là những cổ phiếu rơi hơn 1%.
Sắc đỏ của các cổ phiếu trụ lớn như VCB, VIC, VRE, GAS, VPB tiếp tục gây áp lực giảm điểm lên thị trường chung, trong khi đó HPG, VNM, MWG, ACB và TPB đang nỗ lực gồng đỡ chỉ số.
Nhóm dầu khí đỏ lửa sau cú sập mạnh đến từ giá dầu trong phiên hôm qua; PVC, OIL và PVD đều mất hơn 3% giá trị.
Có thể thấy, diễn biến phân hóa nhẹ xảy ra ở hầu hết các nhóm ngành. Nhóm ngân hàng chỉ ghi nhận vài mã tăng TPB, ACB, SHB, STB; số ít mã bất động sản có sắc xanh như VHM, HDC, GVR, NLG, HDG, VPH, ITA; trong khi nhóm thép ghi nhận đà hồi phục của HPG với tỷ lệ tăng 2%, bên cạnh đó HSG, DMC và NKG tăng 0,5% - 1,7%.
Trước diễn biến giảm sâu của thị trường ngày đầu tuần, CTCK Asean dự báo trong phiên giao dịch 20/7, áp lực giải chấp có thể khiến chỉ số VN-Index giảm điểm trong phiên sáng để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.230–1.240 điểm và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.210–1.220 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
CTCK Đông Á (DAS) cho rằng, xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường vẫn tiếp tục do trong phiên đầu tuần 19/7, hầu hết nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh. Tâm lý nhà đầu tư tiêu cực trên đa số các nhóm ngành nên khó có thể tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn trong xu hướng giảm hiện nay. Trong hai tuần tới sẽ có nhiều doanh nghiệp sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021, qua đó nhà đầu tư sẽ có đánh giá rõ hơn về tác động của dịch bệnh lên lợi nhuận doanh nghiệp.
CTCK DAS khuyến nghị nhà đầu tư có thể lựa chọn giải ngân tích lũy một số cổ phiếu cho mục tiêu đầu tư trung hạn cũng như quan tâm cổ phiếu của các công ty có dự báo kết quả kinh doanh tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021.
Còn theo CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), nhìn chung VN-Index đang chịu nhiều áp lực bán, bắt nguồn từ các thông tin tiêu cực từ ảnh hưởng của làn sóng COVID-19 lần thứ 4. Trước các triển vọng kém khả quan trong ngắn hạn, CTCK cho rằng chỉ số nhiều khả năng sẽ tìm được lực cầu tiềm năng dồi dào hơn ở vùng hỗ trợ tiếp theo quanh 1.200 điểm.
Do đó,VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ tỉ trọng tiền mặt lớn, hạn chế giải ngân mạnh hoặc sử dụng margin trong giai đoạn thị trường đang trong xu hướng “giảm sâu” và “mò đáy”. Nhà đầu nên tập trung vào các doanh nghiệp có yếu tố cơ bản tốt và được toàn thị trường đánh giá cao.
Trong khi đó, CTCK MB (MBS) cho rằng việc phiên giảm điểm 19/7 là phiên giảm thứ 7 trong 11 phiên gần nhất, cùng với việc kể từ đầu tháng 7 cho tới nay, thị trường đã có 3 phiên giảm gần 4%, đồng nghĩa với việc phần lớn các cổ phiếu đều giảm gần giá sàn. Điều đó cho thấy, quán tính giảm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại khi áp lực từ thị trường thế giới biến động. Do vậy, nhà đầu tư chưa vội bắt đáy, chiến lược đứng ngoài quan sát cũng có thể được áp dụng.