Nỗi lo về lãi suất 'nhấn chìm' chứng khoán Mỹ tuần qua

Chứng khoán Mỹ giảm hơn 1% trong phiên 10/3 và ghi nhận những mức giảm theo tuần lớn nhất trong nhiều tháng, khi các nhà đầu tư lo ngại về những rắc rối tại ngân hàng Silicon Valley Bank lây lan trong lĩnh vực này cũng như xu hướng siết chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đó, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 345,22 điểm (tương đương 1,1%) xuống 31.909,64 điểm. Đây là phiên giảm thứ tư liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm điểm dài nhất kể từ tháng 12/2022 của chỉ số này.

Chỉ số tổng hợp S&P 500 cũng mất 56,73 điểm (1,4%) xuống 3.861,59 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 199,47 điểm (1,8%) và khép phiên ở mức 11.1,89 điểm.

Các chỉ số chính trên Phố Wall sụt giảm trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về lĩnh vực ngân hàng, sau khi giới chức trách Mỹ đã nắm quyền kiểm soát Silicon Valley Bank vào thứ Sáu.

Trước đó, cổ phiếu của ngân hàng này đã giảm mạnh vào thứ Năm và họ không tìm được bên khác đồng ý mua lại mình. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lao dốc sau sự sụp đổ của Silicon Valley Bank, với quỹ ETF SPDR S&P Regional Banking mất gần 4,4%. Trong tuần, quỹ trên đã giảm khoảng 16% - đánh dấu tuần tồi tệ nhất của quỹ kể từ tháng 3/2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Bà Sylvia Jablonski, Giám đốc điều hành kiêm giám đốc đầu tư của công ty tư vấn đầu tư Defiance ETFs cho biết đây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất kể từ năm 2008 tới nay tại Mỹ. Chắc chắn điều đó sẽ khiến thị trường hoảng sợ. Ngoài ra, sự thất bại của Silicon Valley Bank cũng đang làm dấy lên mối lo ngại của các nhà đầu tư về việc liệu sự lây lan có lan rộng ra ngoài ngân hàng này hay không.

Ông Karim El Nokali, chiến lược gia đầu tư tại công ty quản lý tài sản Schroder cho biết những lo lắng về lĩnh vực ngân hàng “có lẽ đang làm lu mờ” những khía cạnh tích cực của báo cáo việc làm.

Báo cáo việc làm mới nhất của Mỹ cho thấy thị trường lao động tiếp tục tăng trưởng với tốc độ mạnh mẽ trong tháng trước, với 311.000 việc làm được tạo ra. Con số này nhiều hơn dự báo 225.000 việc làm mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Wall Street Journal đưa ra.

Chuyên gia El Nokali nói rằng báo cáo việc làm tháng Hai là thông tin tích cực cho thị trường chứng khoán. Những số liệu này có thể củng cổ khả năng Fed chọn tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách vào cuối tháng này, trái ngược với mức tăng 50 điểm cơ bản khiến các nhà đầu tư lo ngại trước đó.

Nhìn chung, chứng khoán Mỹ đã có một tuần không mấy khởi sắc khi nỗi lo về chính sách lãi suất của Fed “phủ bóng” thị trường.

Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) diễn biến trái chiều trong ngày 6/3, trước phiên điều trần của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Quốc hội Mỹ vào thứ Ba và thứ Tư (7-8/3). Khép phiên này, Dow Jones tăng 0,1% lên 33.431,44 điểm. S&P 500 tăng 0,1% lên 4.048,42 điểm, còn Nasdaq giảm 0,1% xuống 11.675,74 điểm.

Sang phiên 7/3, chứng khoán Phố Wall giảm điểm khi ông Powell cảnh báo Fed có thể đẩy mạnh chiến dịch tăng lãi suất để chống lạm phát sau các số liệu kinh tế lạc quan của Mỹ.  Khép phiên này, Dow Jones giảm 1,7% xuống 32.856,46 điểm. S&P 500 giảm 1,5% xuống 3.986,37 điểm, còn Nasdaq mất 1,3% xuống 11.530,33 điểm.

Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ dịch chuyển ngược hướng nhau sau những lo ngại về khả năng Fed cần tăng lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát. Dow Jones giảm 0,2% xuống 32.798,40 điểm. Ngược lại, S&P 500 tăng 0,1% lên 3.992,01 điểm, còn Nasdaq Composite tiến 0,4% và khép phiên ở mức 11.576 điểm.

Phiên 9/3, ba chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đồng loạt giảm điểm vì nỗi lo về lãi suất chưa chấm dứt. Kết thúc phiên này, S&P 500 mất 72,63 điểm xuống 3.919, điểm. Nasdaq Composite mất 234,95 điểm  còn 11.341,05 điểm và Dow Jones giảm 534,19 điểm xuống 32.264,21 điểm.

Với mức giảm trong phiên 10/3, Dow Jones đã giảm 4,4%, S&P 500 mất 4,5% và Nasdaq giảm 4,7% trong tuần qua. Chỉ số Dow có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 6/2022, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt ghi nhận mức giảm hàng tuần tính theo phần trăm lớn nhất kể từ tháng Chín và tháng 11/2022.

Sang tuần tới, báo cáo về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quan trọng sẽ là bài kiểm tra cho thị trường chứng khoán Mỹ, dự kiến vẫn bị phủ bóng bởi những lo ngại về chính sách “diều hâu” của Fed và hậu quả tiềm tàng từ vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank.

Báo cáo việc làm công bố hôm thứ Sáu đã xoa dịu một số lo lắng về các đợt tăng lãi suất lớn của Fed. Tuy nhiên, một báo cáo CPI “nóng” hơn dự kiến vào thứ Ba (14/3) có thể dấy lại những lo ngại đó. Diễn biến như vậy sẽ rất bất lợi cho một thị trường đang gặp khó khăn sau thất bại tuần này của Silicon Valley Bank.

Sau khi tăng vào đầu tuần, tỷ lệ đặt cược vào khả năng Fed tăng lãi suất 50 điểm cơ bản đã giảm bớt trong 24 giờ qua. Các nhà giao dịch hiện nhận thấy Fed có 62% khả tăng lãi suất chuẩn lên 25 điểm cơ bản và 40% khả năng tăng 50 điểm cơ bản. Trước đó trong phiên 9/3, nhà đầu tư đặt cược Fed có 70% khả năng tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản.

Theo đánh giá từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò ý kiến của hãng tin Reuters, kỳ vọng về lãi suất một lần nữa có thể thay đổi đáng kể nếu báo cáo CPI cho tháng Hai cao hơn mức tăng dự kiến 6% hàng năm.

H.Thủy/TTXVN (Tổng hợp)
Dòng tiền trú ẩn an toàn có xu hướng đổ vào vàng
Dòng tiền trú ẩn an toàn có xu hướng đổ vào vàng

Trong khi giá vàng ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp, giá vàng trong nước có chiều hướng giảm nhẹ. Theo quan sát diễn biến thị trường, các chuyên gia đánh giá, dòng tiền trú ẩn an toàn đang đổ vào kim loại quý trong bối cảnh thị trường tài chính bất ổn và sau khi dữ liệu việc làm của Mỹ thấp hơn so với dự kiến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN