Lãnh đạo ngân hàng VietinBank cho biết: Năm 2019, VietinBank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 2 - 5%, dư nợ tín dụng tăng từ 6 - 7%, nguồn huy động thị trường 1 tăng 10 - 12%, nợ xấu giữ dưới mức 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 9.500 tỷ, tăng 41% s với năm trước, trong đó, lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ tối thiểu đạt 9.000 tỷ. Đây là các chỉ tiêu trong trường hợp VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2017, 2018.
Theo đó, VietinBank đưa ra 2 phương án phân chia lợi nhuận gồm chia cổ tức năm 2018 toàn bộ bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ nhận thêm 80,3 cổ phiếu mới). Với kế hoạch này, VietinBank dự kiến giữ lại được 2.990 tỷ đồng lợi nhuận để bù đắp vào nguồn vốn.
Phương án hai là ngân hàng xin giữ lại toàn bộ lợi nhuận gần 2.997 tỷ để tăng vốn điều lệ. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trước đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu là phương án tốt nhất với VietinBank hiện nay để tăng vốn.
“Tăng vốn là yêu cầu cấp bách và là khó khăn nhất của VietinBank giai đoạn 2014 - 2019, tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của VietinBank. Tăng trưởng tín dụng ở mức thấp do các giới hạn về vốn tự có sẽ ảnh hưởng tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách Nhà nước,” ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank nói.
Còn tại MSB, ĐHĐCĐ đã đạt tỷ lệ đồng thuận cao các đề xuất của HĐQT về kế hoạch kinh doanh 2019, kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán.
Với những nền tảng này, Hội đồng cổ đông nhất trí dành toàn bộ phần lợi nhuận đạt được trong năm 2018 dùng để tái đầu tư trong năm 2019 và các năm tiếp theo, hỗ trợ cho hoạt động “chào sàn” của MSB trong quý III năm nay.
MSB đặt mục tiêu năm 2019 với tổng tài sản tăng 11%, đạt mức 153.000 tỷ đồng; vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn tăng 22%; dư nợ tín dụng (gồm dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế, cá nhân và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 35%; lợi nhuận trước thuế thu nhập đạt 1.860 tỷ đồng, tăng 77%. Đặc biệt, vốn điều lệ sẽ tăng thêm 9% lên 12.750 tỷ đồng và tỷ lệ chia lợi tức cổ phần dự kiến lên đến 10%.
Theo MSB, hết năm 2018, tổng tài sản đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 23% so với cuối năm 2017, trong đó cho vay khách hàng với mức tăng vượt bậc đạt 135% so với năm trước, tổng tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt mức tăng trưởng 112% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới, vốn điều lệ của ngân hàng SHB sẽ tăng 46% so với hiện tại, lên mức 17.571 tỷ đồng.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển chia sẻ: Việc tăng vốn điều lệ hiện có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của SHB trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hơn nữa theo ông Hiển, hiện các ngân hàng đều phải đáp ứng chuẩn Basel II, trong đó có SHB, mà để đáp ứng được Basel II thì yêu cầu đầu tiên đó là tăng vốn điều lệ. Ngoài ra, để phục vụ cho sự phát triển của các công ty con cũng cần phải có vốn do vậy phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.
Về phương án tăng vốn, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank nói "TPBank dự kiến phát hành 100 triệu cổ phiếu theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu hiện hành sẽ có lợi nhuận thặng dư, tùy thuộc vào khả năng đàm phán với các nhà đầu tư, nhưng sẽ đảm bảo mục tiêu tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng".
Thừa nhận việc các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước (VietinBank, BIDV, Vietcombank, Agribank) đang gặp khó trong vấn đề tăng vốn, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và các đoàn làm việc của các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề này. "Bởi các ngân hàng này nếu không được tăng vốn thì sẽ hạn chế đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế. IMF cũng khuyến nghị việc tăng vốn cho các ngân hàng này là cần làm ngay không thể trì hoãn", bà Nguyễn Thị Hồng nói.
Tuy nhiên, khó khăn theo Phó Thống đốc nằm ở chỗ Nghị quyết của Quốc hội quy định không sử dụng ngân sách để cấp vốn cho NHTM nhà nước, và nội dung bổ sung vốn cho NHTM nhà nước cũng không có trong danh mục đầu tư công trung hạn. Ngoài ra, tại nghị định 91 đã được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 32 của Chính phủ thì phạm vi bổ sung đầu tư vốn của nhà nước cũng không bao gồm đầu tư bổ sung vốn cho NHTM nhà nước.
NHNN đang trình Chính phủ kiến nghị nghiên cứu sửa đổi quy định để tháo gỡ khó khăn trên cho 4 NHTM nhà nước.
ABBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên hơn 5.700 tỷ đồng
NHNN vừa có công văn chấp thuận việc Ngân hàng ABBank tăng vốn điều lệ từ hơn 5.300 tỷ đồng lên hơn 5.700 tỷ đồng (tăng gần 400 tỷ đồng). Theo đó, NHNN chấp thuận đề nghị của ABBank về tăng vốn điều lệ theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ ABBank thông qua. Được sự chấp thuận của NHNN, cùng với việc tăng vốn điều lệ, ABBank sẽ thực hiện chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông bằng cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 7,4%. ABBANK sẽ đăng ký phát hành tại Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và thực hiện phân phối cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông.