Tại phiên họp cấp bộ trưởng gần nhất vào tháng 10, OPEC+ gồm 13 quốc gia do Saudi Arabia đứng đầu và 10 nước ngoài khối với Nga dẫn đầu đã đồng ý giảm sản lượng hai triệu thùng mỗi ngày từ tháng 11/2022. Đó là mức cắt giảm lớn nhất kể từ giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020.
Đáng chú ý, cuộc họp thông qua cầu truyền hình của OPEC+ được tổ chức trước khi Liên minh châu Âu (EU) thực thi lệnh cấm vận đối với dầu thô nhập khẩu bằng đường biển từ của Nga bắt đầu vào thứ Hai tuần tới (5/12).
Một nguồn tin Iran cho hay OPEC+ có thể bỏ phiếu kéo dài quyết định cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày trước đó, lập luận rằng thị trường "rất bất ổn" trước các lệnh trừng phạt sắp tới của châu Âu đối với dầu của Nga.
Nhà phân tích Stephen Brennock của công ty tư vấn đầu tư năng lượng PVM Energy nhận định nhiều khả năng OPEC+ sẽ tái khẳng định cam kết cắt giảm sản lượng gần nhất của họ, đồng thời không loại trừ khả năng khối này thậm chí sẽ công bố các đợt cắt giảm sản lượng mới để đẩy giá đi lên.
Ngoài những lo ngại về tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc và những biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt đi kèm đang ảnh hưởng tới nhu cầu năng lượng nước này, một ẩn số lớn khác đối với triển vọng thị trường năng lượng là tương lai của dầu Nga. Yếu tố này đặc biệt quan trọng khi các quốc gia phương Tây đang tìm cách tách khỏi nguồn cung năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt.
EU đã quyết định cấm các quốc gia thành viên mua dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga từ ngày 5/12. Theo ước tính của các nhà phân tích thuộc ngân hàng ANZ, lệnh cấm đó có thể gây rủi ro đối với 2 triệu thùng dầu/ngày.
Các nhà đầu tư cũng đang xem xét kỹ lưỡng mức giá trần 60 USD/thùng do EU đề xuất đối với dầu thô của Nga. Trước đó, EU đã nhất trí với Mỹ về việc cần phải hạn chế mức giá mà các khách hàng phương Tây phải trả cho dầu của Nga nhằm ngăn nước này hưởng lợi từ việc giá năng lượng tăng cao. Phía Nga đã lên tiếng cảnh báo hậu quả từ động thái đó sẽ rất khó lường.
Kể từ cuộc họp tháng 10 của OPEC+, giá dầu đã giảm mạnh xuống mức hồi đầu năm 2022 và cách khá xa mức đỉnh trên 130 USD/thùng ghi nhận vào tháng Ba, sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine (U-crai-na).
Tính đến phiên 1/11, hai loại dầu tiêu chuẩn toàn cầu và Brent và WTI đều dao động quanh mức 85 USD/thùng.