Phiên giao dịch cuối tuần cũng rất sôi động khi chỉ số S&P 500 và Dow Jones đều chạm mức cao kỷ lục trong ngày, giữa bối cảnh giới đầu tư đặt cược rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng Chín tới, trong khi giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn giảm sau báo cáo kết quả kinh doanh trái chiều.
Trong ba phiên giao dịch đầu tuần này (8-9-10/7), Phố Wall đã ghi nhận đà tăng ấn tượng khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq tiếp nối chuỗi phiên cao kỷ lục từ tuần trước. Phiên 10/7 là phiên đóng cửa ở mức cao kỷ lục thứ bảy liên tiếp của Nasdaq và thứ sáu liên tiếp của S&P 500.
Kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào đầu tháng Chín tới đã tăng lên sau khi báo cáo việc làm tháng Sáu trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, vừa được công bố cuối tuần trước, cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ chậm lại trong tháng Sáu, dấu hiệu mới nhất chỉ ra sự suy yếu trong thị trường lao động.
Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như thể hiện niềm tin rằng lạm phát sẽ trở lại mục tiêu của Fed, đồng thời chỉ ra những rủi ro đối với thị trường việc làm và nền kinh tế nếu lãi suất duy trì ở mức quá cao trong thời gian quá dài.
Thị trường quay đầu lùi bước trong phiên giao dịch ngày 11/7, với việc chỉ số công nghệ Nasdaq giảm mạnh do giá cổ phiếu của các "ông lớn" Nvidia, Apple và Tesla đi xuống. Mặc dù chỉ số Dow Jones vẫn “nhích” nhẹ trong phiên này, nhưng chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đồng loạt giảm mạnh.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/7, chỉ số Dow Jones tăng 247,15 điểm (tương đương 0,62%) lên 40.000,90 điểm. Trong phiên, chỉ số này đã tăng lên mức cao mọi thời đại mới là 40.257,24 điểm. Đây là lần đầu tiên Dow Jones vượt mốc 40.000 điểm kể từ cuối tháng 5/2024. Chỉ số S&P 500 tăng 0,55%, lên 5.615,35 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,63%, lên 18.398,45 điểm.
Một số công ty có giá trị lớn nhất thị trường đã phục hồi sau khi giảm trong phiên trước đó, với giá cổ phiếu Apple và Nvidia đều tăng hơn 1%.
Thị trường leo dốc ngay cả sau những phản ứng ít ỏi đối với kết quả lợi nhuận quý II/2024 của các ngân hàng. Cổ phiếu của ngân hàng JPMorgan mất 1,2% ngay cả khi ngân hàng này công bố doanh thu quý II tốt hơn dự báo của Phố Wall nhờ sự tăng vọt các loại phí. Cổ phiếu của ngân hàng Citi giảm 1,8% mặc dù kết quả doanh thu và lợi nhuận quý II cao hơn kỳ vọng.
Cổ phiếu Wells Fargo sụt 6% sau khi ngân hàng này cho biết thu nhập lãi ròng, thước đo chính về lợi nhuận cho vay của ngân hàng, không đạt kỳ vọng trong quý II.
Số liệu về lạm phát bán buôn của Mỹ cao hơn dự báo nhưng Phố Wall đã hầu như bỏ qua số liệu này sau báo cáo giá tiêu dùng quan trọng được công bố vào ngày 11/7 cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt.
Trong khi đó, hoạt động sản xuất của Mỹ suy giảm tháng thứ 3 liên tiếp vào tháng Sáu vừa qua, do nhu cầu vẫn yếu, trong khi sự sụt giảm của thước đo mức giá mà các nhà máy trả cho đầu vào cũng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng, cho thấy tỷ lệ lạm phát của nước này có thể tiếp tục giảm.
Theo báo cáo của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6/2024 giảm xuống còn 48,5, thấp hơn mức dự báo 49,1 và cho thấy sự suy giảm trong lĩnh vực này. Đây là tháng thứ 19 trong 20 tháng qua chỉ số PMI ở dưới mức 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Sự yếu kém trong hoạt động sản xuất vào cuối quý II được phản ảnh trong hầu hết các lĩnh vực. Các lĩnh vực đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề bao gồm máy móc, thiết bị vận tải, thiết bị điện tử và sản phẩm kim loại chế tạo. Điểm sáng duy nhất là một số lĩnh vực sản xuất như hóa chất và sản phẩm kim loại chính ghi nhận tăng trưởng. Chủ tịch Ủy ban Khảo sát Kinh doanh sản xuất thuộc ISM, Timothy Fiore mô tả các nhà sản xuất đang thể hiện "sự không sẵn lòng đầu tư vào tư liệu sản xuất và hàng tồn kho do chính sách tiền tệ hiện tại và các điều kiện khác".
Hoạt động sản xuất đang chịu áp lực bởi lãi suất cao hơn và nhu cầu hàng hóa giảm, mặc dù đầu tư kinh doanh phần lớn vẫn được duy trì. Dữ liệu của Chính phủ Mỹ tuần trước cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã giảm với tốc độ 4,3% trong quý I/2024, với phần lớn sự sụt giảm đến từ hàng hóa sản xuất lâu dài.
Áp lực lạm phát có thể giảm bớt trong bối cảnh hoạt động sản xuất chậm lại. Chỉ số giá đầu vào của ISM, thước đo giá cả mà các nhà sản xuất trả cho nguyên vật liệu và dịch vụ, đã giảm xuống mức 52,1 trong tháng Sáu, mức thấp nhất kể từ tháng 12. Điều này cho thấy chi phí đầu vào đang giảm, có thể dẫn đến giá cả sản phẩm thấp hơn cho người tiêu dùng trong tương lai.