Dự báo ảm đạm của Micron Technology Inc đã làm tăng thêm tâm trạng bi quan và khiến nhóm cổ phiếu ngành bán dẫn hoạt động kém hiệu quả hơn so với thị trường, với mức giảm theo ngày lớn nhất trong hơn một tháng.
Sự sụt giảm của các cổ phiếu vốn nhạy cảm với lãi suất khiến chỉ số công nghệ và ngành hàng tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong số 11 lĩnh vực của S&P 500.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 348,99 điểm, tương đương 1,05%, xuống 33.027,49 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 56,05 điểm (1,45%) xuống 3.822,39 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 233,25 điểm (2,18%), xuống 10.476,12 điểm.
Ước tính cuối cùng về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý III/2022 đạt mức 3,2%, cao hơn ước tính trước đó là 2,9%. Trong khi đó, Bộ Lao động cho biết số hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp của nước này đã tăng lên 216.000 đơn vào tuần trước, thấp hơn ước tính của các nhà kinh tế là 222.000 đơn.
Matt Stucky, chuyên gia danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Northwestern Mutual Wealth Management Company, cho biết: “Chúng ta đang vượt qua một trong những nỗi lo lớn của năm 2022. Đó là phản ứng của Fed trước áp lực lạm phát cao cho tới mối lo ngại về năm 2023 và nguy cơ một cuộc suy thoái đang diễn ra ở Mỹ và có thể là trên toàn cầu”.
Từ đầu tháng 12 đến nay, Dow Jones giảm 4,5%, còn S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt sụt 6,3% và 8,7%. Cả ba chỉ số chính đều được dự đoán sẽ làm đứt mạch ba năm tăng liên tiếp và ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Cổ phiếu Tesla giảm gần 8,9% phiên này, sau khi công ty này đưa ra mức giảm giá 7.500 USD cho một số mẫu xe, làm tăng thêm lo ngại của nhà đầu tư về nhu cầu ô tô điện đang suy giảm.
Tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch 22/12, VN-Index tăng 3,73 điểm (0,37%) lên 1.022,61 điểm, HNX-Index tăng 1,32 điểm (0,65%) lên 205,79 điểm.