Phiên này được coi là “trạm nghỉ chân” của thị trường sau đà tăng điểm liên tiếp hậu bầu cử tổng thống Mỹ, giữa bối cảnh giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu việc làm quan trọng tháng 11/2024, dự kiến được công bố vào ngày 6/12.
Kết thúc phiên này, chỉ số S&P 500 giảm 0,2%, xuống mức 6.075,11 điểm, chấm dứt chuỗi bốn phiên lập kỷ lục liên tiếp. Chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 0,6%, đóng cửa ở mức 44.765,71 điểm, trong khi Nasdaq Composite - chỉ số tập trung vào lĩnh vực công nghệ - giảm 0,2% xuống còn 19.800,26 điểm.
Ông Aaron Clark, nhà quản lý danh mục đầu tư tại tổ chức tài chính GW&K, cho biết nhà đầu tư “có lẽ không muốn hành động vội vàng” trước khi báo cáo việc làm tháng 11 được công bố. Ông nói: “Chúng ta đã chứng kiến dòng tiền kỷ lục chảy vào thị trường cổ phiếu”, đồng thời nhận định thị trường có thể tiếp tục tăng trong tháng 12 này.
Cả ba chỉ số chính đều lập kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 4/12, một phần do dữ liệu kinh tế Mỹ ảm đạm làm gia tăng dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp chính sách sắp tới.
Nhà đầu tư đang hướng đến dữ liệu việc làm quan trọng của Mỹ, dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày 6/12. Các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế Mỹ tạo ra thêm 214.000 việc làm trong tháng 11/2024. Báo cáo việc làm này có thể cung cấp thông tin về quyết định lãi suất của Fed tại cuộc họp chính sách vào ngày 17-18/12 tới.
Ngày 4/12, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để ngân hàng trung ương có thể hạ lãi suất một cách thận trọng. Ông Powell nói: “Thị trường lao động đang tốt hơn và rủi ro suy thoái dường như đã giảm bớt trên thị trường lao động. Tăng trưởng chắc chắn mạnh hơn chúng ta nghĩ, và lạm phát đang tăng một chút. Vì vậy, tin tốt là chúng ta có thể thận trọng hơn một chút khi cố gắng tìm kiếm mức lạm phát trung lập”.
Tại Việt Nam, khép lại phiên 5/12, chỉ số VN-Index tăng 27,12 điểm, hay 2,19%, lên 1.267,53 điểm. Còn chỉ số HNX-Index ghi thêm 4,98 điểm, hay 2,22%, lên 229,6 điểm.