Cần thận trọng khi định danh
Ứng dụng Uber sẽ ngừng kết nối tại Việt Nam từ ngày 8/4. |
Bên cạnh những lợi thế mang lại thì sự xuất hiện của các dịch vụ trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là các dịch vụ kết nối, trung gian cũng đang gây ra nhiều tranh cãi, thách thức cho không chỉ riêng đối với các nhà hoạch định chính sách mà còn cả giới học thuật. Vấn đề đặt ra là cần luận giải phân loại/bản chất dịch vụ, quy chế pháp lý đối với thương nhân, biện pháp bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng, quản lý thuế, kiểm soát các điều kiện giao dịch chung.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, việc coi Uber và Grab là taxi sẽ không ổn, bởi đây là những công ty chuyên cung cấp phần mềm bằng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT). "Grab và Uber cung cấp ứng dụng phần mềm kết nối giữa tài xế với hành khách thông qua phần mềm gọi đặt xe và di chuyển, không sở hữu xe ô tô vận chuyển hành khách và tất cả lái xe của họ không phải là nhân viên. Chính vì thế, bắt Grab, Uber phải đóng vai trò là taxi truyền thống, thì e rằng không hợp lý”, ông Hiếu nói.
Theo TS Hiếu, trong một nền kinh tế phát triển thì càng ngày sẽ có nhiều loại hình, dịch vụ, sản phẩm mới ra đời. Trong đó, có những công ty hoàn toàn cung cấp dịch vụ kết nối. Xe công nghệ thực sự là sự kết hợp các xe tư nhân nhàn rỗi và người tiêu dùng. Với người tiêu dùng thì lợi thế của xe công nghệ là giá rẻ vì chi phí vận hành thấp và sự tiện lợi từ ứng dụng CNTT kết nối với điện thoại di động. Đối với tài xế Grab, Uber là tận dụng xe và thời giờ nhàn rỗi để tăng thu nhập và cung cấp dịch vụ cho xã hội. Trên cơ sở này bên cung cấp dịch vụ chuyển vận là các cá nhân kinh doanh qua đầu mối hợp tác xã và nhà cung cấp phương tiện công nghệ thông tin để kết nối người cung cấp dịch vụ vận chuyển và người tiêu dùng. Nếu muốn quản lý tốt thì cần xây dựng các quy định đúng với bản chất hoạt động dịch vụ cung cấp công nghệ kết nối của các công ty này.
Giới trong ngành kinh tế cho rằng, Hiệp định CPTPP được ký kết đã đón đầu xu thế phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Trong đó, CPTPP đã nêu rất rõ đặc thù của những công ty chuyên phát triển và cung cấp dịch vụ phần mềm như Grab, Uber là những công ty môi giới dịch vụ. Giải pháp cấm, đuổi thì hoàn toàn không phù hợp trong bối cảnh hoạt động chính thức, trong khi các quy định liên quan vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Cụ thể, Nghị định 86/2014/NĐ-CP chưa đề cập đủ tư cách của Grab, Uber khi hoạt động, bởi đặc thù của họ là công ty cung cấp dịch vụ phần mềm, chứ không phải hoạt động vận tải hành khách.
TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ thêm, giải pháp phát triển hài hòa giữa công nghệ và truyền thống phải nhìn từ cả 3 phía là doanh nghiệp, khách hàng và Nhà nước. Trong đó, phía Nhà nước cần sớm đưa ra quy định cụ thể về tính chất pháp lý, trách nhiệm, vai trò, nghĩa vụ…của từng doanh nghiệp trên với đặc thù riêng. Grab, Uber hay các công ty cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối vận tải phải chịu sự quản lý, tuân thủ theo quy định của Nhà nước, tạo ra sân chơi kinh doanh bình đẳng, công bằng.
Đối với các hãng taxi truyền thống cũng phải chấp nhận quy luật phát triển hội nhập của nền kinh tế với sự phát triển mạnh mẽ của ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động vận tải hành khách. Họ cần chấp nhận sự thay đổi trên, thích nghi và hội nhập vào xu thế chung. Nếu muốn cạnh tranh sòng phẳng thì cần cải thiện chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là nghiên cứu, phát triển công nghệ ứng dụng dịch vụ (các App) hiện đại và hoàn thiện.
Có nhiều đối trọng để tránh độc quyền
Liên quan việc Grab “thâu tóm” Uber gây xôn xao thế giới, nhiều ý kiến lo ngại, loại hình gọi xe công nghệ của Grab sẽ độc quyền vì mất đi tính cạnh tranh.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông, việc này đúng một phần vì giảm sự canh tranh khi chỉ còn lại một hãng. Tuy nhiên trong 1 năm gần đây đã có thêm hàng chục đơn vị trong nước sử dụng phần mềm để kết nối kinh doanh vận tải. Vì thế, việc cạnh tranh của hai đơn vị Uber, Grab không còn nhưng cạnh tranh với đơn vị cung cấp công nghệ trong nước vẫn còn.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, không lo việc Grab sẽ độc quyền khi mua lại Uber. Trên thị trường cũng có nhiều đối trọng để tránh Grab độc quyền. Việc Grab sẽ độc quyền tại Việt Nam khi mua lại Uber cần phải xem xét thêm. Bộ GTVT chỉ coi Uber, Grab như phương thức kết nối trong vận tải, chứ không phải là loại hình vận tải. Hiện nay, với phương thức kết nối vận tải, Việt Nam cũng đã có nhiều phương thức đa dạng, thậm chí là không phải sử dụng điện thoại di dộng, kết nối thông qua Facebook… Do đó, có thể nói Uber, Grab có những đối trọng tại Việt Nam, không thể có độc quyền.
Theo Bộ GTVT, trên thị trường, việc doanh nghiệp rời đi hay sáp nhập là hoạt động bình thường, không thể bắt ở lại hay không được sáp nhập. Nếu các doanh nghiệp vi phạm các điều kiện về cạnh tranh thì lúc đó mới có thể xem xét được. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận, sự xuất hiện của Uber, Grab cũng khiến cơ quan quản lý gặp lúng túng, không hề dễ dàng, điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, Việc Bộ GTVT đang sửa đổi nghị định mới thay thế Nghị định 86 nhằm đưa ra điều khoản để quản lý tốt hơn.
Trước đó ngày 26/3, Grab ra thông báo đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Uber sẽ hoạt động thêm khoảng 2 tuần sau đó sẽ rút lui để đổi lại 27,5% cổ phần tại Grab.