Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá vàng giao ngay hầu như không đổi ở mức 1.222,23 USD/ounce vào lúc 14 giờ 46 phút, vẫn ở quanh mức cao nhất kể từ ngày 26/7 ghi nhận vào ngày thứ Hai (15/10) là 1.233,26 USD/ounce. Tuy nhiên, giá vàng kỳ hạn lại để mất 0,2% xuống 1.225,2 USD/ounce.
Theo một biên bản cuộc họp của Fed công bố ngày 17/10, một số nhà hoạch định chính sách của Fed vẫn tỏ ra thận trọng về những nguy cơ tiềm tàng đe dọa nền kinh tế thế giới, như đồng USD mạnh khiến hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và tình trạng bất ổn kinh tế tại các nước mới nổi có thể dễ dàng tạo ra hiệu ứng domino trên phạm vi toàn cầu.
Tuy vậy, hầu hết các thành viên trong ban hoạch định chính sách của Fed đều không thay đổi nhiều đánh giá về triển vọng kinh tế Mỹ, thậm chí một số ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu "tăng tốc". Fed đã nâng lãi suất ba lần trong năm nay và sự đồng thuận được thể hiện tại cuộc họp tháng Chín vừa qua có thể làm tăng kỳ vọng rằng thể chế này sẽ nâng lãi suất tiếp một lần nữa vào tháng 12 tới.
Fed cũng dự kiến tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm sau. Theo các nhà hoạch định chính sách, kế hoạch này sẽ đưa lãi suất của Mỹ đến trên mức "trung tính", vốn là mức duy trì sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, một ý kiến vẫn cho rằng Fed cần tăng lãi suất nhiều hơn nữa
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ, bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Giới chuyên gia cho rằng động thái tăng lãi suất của Fed sẽ khiến giá vàng bị “tổn thương” trong ngắn hạn. Song những lo ngại về chiến tranh thương mại, căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Saudi Arabia cũng như những yếu tố khác có thể tác động đến tâm lý của nhà đầu tư về những tài sản rủi ro cao, qua đó tạo thuận lợi cho vàng.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc phiên này giảm 0,7% xuống 14,51 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng nhẹ 0,1% lên 832,5 USD/ounce.