Tại thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng khoảng 29 xu Mỹ (0,5%) lên 53,69 USD/thùng. Còn giá dầu Brent Biển Bắc tăng 0,7% lên 56,18 USD/thùng.
Số liệu chính thức được công bố ngày 20/1 cho thấy lượng dầu xuất khẩu của Saudi Arabia đã giảm từ 8,258 triệu thùng/ngày hồi tháng 11/2016 xuống còn 8,014 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2016.
Theo thỏa thuận đã được nhất trí hồi cuối năm ngoái, OPEC và một số nước không thuộc tổ chức này, bao gồm Nga, sẽ cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2017. Hãng tin Anh Reuters tuần trước cho biết OPEC có thể kéo dài thảo thuận trên hoặc tiến hành cắt giảm sản lượng sâu hơn từ tháng 7/2017, nếu dự trữ dầu thô toàn cầu không sụt giảm với tốc độ đủ để giúp thị trường cân bằng trở lại.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ đồng USD suy yếu. Đồng USD tăng giá thường khiến cho dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu trong phiên này bị hạn chế bởi số liệu về hoạt động sản xuất dầu của Mỹ. Công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày cho biết các công ty năng lượng Mỹ đã tăng số giàn khoan trong tuần thứ năm liên tiếp. Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán với số giàn khoan dừng lại ở con số hiện tại, sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng 405.000 thùng/ngày trong thời gian từ quý IV/2016 đến quý IV/2017, và sản lượng dầu trung bình của nước này sẽ tăng 130.000 thùng/ngày trong năm 2017.