Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 231,30 điểm (0,89%) xuống 25.705,91 điểm.
Một báo cáo về lạm phát được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố trong ngày 30/9 cho thấy trong tháng Tám giá cả tăng chậm lại so với tháng trước, nhưng vẫn cao hơn dự kiến của các nhà phân tích.
Giới đầu tư và các nhà quan sát lo ngại kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái sau một loạt quyết định tăng mạnh lãi suất của ngân hàng trung ương các nước. Theo dữ liệu mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), số lần tăng lãi suất do các ngân hàng trung ương trên thế giới công bố đã ở mức cao nhất kể từ năm 1970.
Ngày 21/9, Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - lần tăng lãi suất mạnh thứ ba liên tiếp trong năm nay, nâng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên khoảng 3 - 3,25%. Các quan chức Fed cho rằng việc tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát tiếp tục leo thang, gây tổn hại đến người lao động và doanh nghiệp.
Toshiyuki Kanayama, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới chứng khoán Monex (Nhật Bản), nhận định nhiều người đang củng cố quan điểm cho rằng chính sách tăng lãi suất của Fed sẽ làm suy yếu nền kinh tế. Bên cạnh đó, mối lo ngại về sự suy giảm kết quả kinh doanh cũng được đào sâu sau báo cáo lợi nhuận mờ nhạt từ Nike.
Số liệu từ Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho thấy chỉ số niềm tin của các nhà sản xuất lớn tại Nhật Bản đã giảm quý thứ ba liên tiếp, từ 9 điểm trong quý II/2022 xuống 8 điểm trong quý III/2022, do chi phí nguyên liệu thô cao hơn.
Cùng đà đi xuống, tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 172,58 điểm (1%) xuống 17.050,25 điểm. Thị trường đại lục đóng cửa cả tuần để nghỉ lễ.
Theo các chuyên gia, nhà giao dịch trên thị trường đang chờ đợi báo cáo về thị trường việc làm Mỹ dự kiến công bố vào cuối tuần và mùa báo cáo lợi nhuận sắp tới.
Tại thị trường Việt Nam, mở cửa phiên giao dịch ngày 3/10, chỉ số VN - Index giảm 11,67 điểm (1,03%) xuống 1.120,44 điểm, trong khi HNX - Index giảm 1,99 điểm (0,8%) xuống 248,26 điểm.