Theo số liệu mới được Savills Việt Nam công bố, trong 4 năm qua, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại riêng Hà Nội đã tăng trưởng bình quân 12,2%/năm. Từ nay đến năm 2020, có 18 dự án mới sẽ đi vào hoạt động với nguồn cung tổng cộng là 410.000 m².
Thị trường bán lẻ Việt Nam không ngừng phát triển khi các cửa hàng tiện lợi và siêu thị vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh với sự mở rộng của các đơn vị như Circle K, 7-eleven... Tiềm năng của ngành hàng này vẫn còn rộng mở với xu hướng tiêu dùng hiện đại nhấn mạnh hơn đến yếu tố tiện lợi.
Người dân mua sắm tại siêu thị Big C. |
Theo Công ty nghiên cứu thị trường bất động sản JLL, các cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục phát triển với sự mở rộng của các nhà bán lẻ có thương hiệu. Tính đến quý I/2018, tổng diện tích mặt sàn loại hình cửa hàng tiện lợi đạt trên 62.000 m2. Tỷ lệ lấp đầy toàn thị trường tăng 0,7% so với quý trước, với gần 6.900 m2 diện tích sàn bán lẻ được thuê mới trong quý.
Trong đó, phải kể đến sự phát triển nhanh chóng của các nhà bán lẻ ngoại tại Việt Nam trong các phân khúc thị trường như đại siêu thị (Big C, Lotte, AEON), cửa hàng tiện ích (7-eleven, Cirke K, Miniso, Mumuso, Daiso...), đồng thời thâu tóm các doanh nghiệp nội.
Tập đoàn Central Group Việt Nam, thành viên của Tập đoàn Central Group Thái Lan bên cạnh việc sở hữu chuỗi siêu thị Big C còn xây dựng mạng lưới hợp tác với các đối tác doanh nghiệp Việt Nam như Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, chuỗi siêu thị vùng nông thôn phía Bắc LanChi Mart. Doanh nghiệp này hiện sở hữu trên 200 Trung tâm thương mại và cửa hàng tại Việt Nam như: Trung tâm mua sắm Robins, cửa hàng thời trang Delala, Hàng gia dụng LookKool, Quản lý khách sạn Centara... và 2 kênh bán lẻ trực tuyến.
Không những tấn công thị trường bán lẻ Việt Nam ở khâu phân phối, một số "ông lớn" còn có tham vọng tấn công sang các lĩnh vực khác. "Ông lớn" Hàn Quốc Lotte mới đây cho biết sẽ triển khai 4 dự án lớn tại Việt Nam là dự án trồng cây ca cao tại Việt Nam để xuất khẩu sang Hàn Quốc; xây dựng nhà máy EP tại tỉnh Đồng Nai để cung ứng cho Công ty Samsung Việt Nam; xây dựng dự án Thành phố thông minh Thủ Thiêm tại TP Hồ Chí Minh và dự án Lotte Mall Hà Nội.
Thực tế trên cho thấy, thị trường bán lẻ Việt Nam vô cùng béo bở với các đại gia ngoại bởi dân số đông, nhiều người trẻ trong độ tuổi lao động và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
"Cuộc đua ngầm" của doanh nghiệp ViệtTrong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt với doanh nghiệp ngoại, các doanh nghiệp nội không thể thờ ơ và đang có những động thái để trụ vững trên sân nhà, dù diễn biến có vẻ "lặng lẽ" hơn. Những cái tên lớn như Vinmart, Co.op Food, Bách hóa xanh... đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng điểm bán, nhằm gia tăng thị phần.
Thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều dư địa để doanh nghiệp trong nước khai thác. |
Saigon Co.op nhanh chân xây dựng thương hiệu riêng Co.op Food. Kể từ khi thành lập vào tháng 12/2008 đến tháng 12/2017, hệ thống này đã có 181 cửa hàng, trung bình mỗi năm có hơn 20 cửa hàng Co.op Food ra đời. Saigon Co.op đưa ra kế hoạch năm 2018 sẽ mở thêm 170 cửa hàng Co.op Food. Còn Bách Hóa Xanh của Công ty Thế giới Di động cũng đã có gần 400 siêu thị bán lẻ thực phẩm, tuy nhiên mới chỉ dừng chân ở TP Hồ Chí Minh.
Không chỉ các ông lớn có tên tuổi trên thị trường bán lẻ Việt đẩy nhanh cuộc đua mà rất nhiều các doanh nghiệp nhỏ cũng nhanh chân tham gia vào thị trường bán lẻ và bước đầu có những thành công. Có thể kể đến các chuỗi bán lẻ thực phẩm sạch như Bác Tôm, Sói Biển... Một số doanh nghiệp bất động sản cũng tham gia vào cuộc chơi này như Mường Thanh phát triển chuỗi T-mart, FLC phát triển chuỗi F-mart...
Đó là chưa kể đến những thị trường bán lẻ "ngách" cũng đều có sự tham gia của doanh nghiệp Việt. Chẳng hạn, mảng bán lẻ đồ dùng cho trẻ sơ sinh, bà bầu có nhiều chuỗi siêu thị Việt Nam như Bibomart, KidsPlaza, Concung...
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia lĩnh vực bán lẻ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, không thể lơ là trong việc phát triển thị trường bán lẻ. Các hệ thống siêu thị hiện đại của nước ngoài như Lotte, AEON, Mega Market (Metro trước đây), BigC… đang dần chiếm ưu thế.
Chuyên gia cảnh báo, để cạnh tranh với các “ông lớn” ngoại trong cuộc đua này, các doanh nghiệp Việt cần xây dựng chiến lược dài hơn, xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp và tận dụng triệt để lợi thế “sân nhà” như am hiểu tâm lý, thị hiếu của người Việt. Chính phủ cần tạo môi trường phát triển công bằng, lành mạnh, khuyến khích các tập đoàn lớn trong nước đầu tư phát triển thương mại điện tử vì đây là xu hướng tất yếu của thế giới.
Việt Nam hiện có khoảng 800 siêu thị, 150 trung tâm mua sắm, 9.000 chợ truyền thống. Các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất bởi thủ tục đăng ký kinh doanh đơn giản, vốn đầu tư không cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.
Thống kê của hãng nghiên cứu A.T. Kearney cho thấy, với dân số hơn 90 triệu, khoảng 1.760 cửa hàng tiện lợi, trung bình Việt Nam có 1 cửa hàng trên 54.400 người dân. Trong khi đó, ở Trung Quốc, cứ khoảng 24.900 dân lại có 1 cửa hàng, ở Nhật Bản là 1 cửa hàng/2.300 người dân, ở Hàn Quốc là 1 cửa hàng/2.100 dân. Do đó, thị trường bán lẻ ở Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đây là cơ hội cho cả doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội nếu biết khai thác.