Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại Co.opMart Vĩnh Long. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Với lợi thế về vốn, quản lý hiện đại nên các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang vươn tay mở rộng thị phần thông qua các hoạt động mua bán và sát nhập. Đây chính là bài toán khó mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải đối mặt và cần tìm hướng đi riêng nếu không muốn thua cuộc ngay trên "sân nhà".
Theo thống kê mới đây từ Bộ Công Thương, doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đang chiếm khoảng 17% thị phần bán lẻ hiện đại và khoảng 70% thị phần bán lẻ qua các cửa hàng tiện lợi; đồng thời, họ đang tiếp tục mở rộng thị phần thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Thời gian qua, nhiều thương vụ mua bán và sáp nhập diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực; trong đó, đáng chú ý là các thương vụ mua lại Metro, BigC, Nguyễn Kim...
Thực tế, trong những năm gần đây có rất nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn từ các nước "đổ bộ" vào Việt Nam, cụ thể, từ giữa năm 2016, Takashimaya - một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản đã đưa vào hoạt động chuỗi cửa hàng Takashimaya tại Trung tâm thương mại Saigon Centre. Không chịu thua kém, Tập đoàn bán lẻ Lotte Hàn Quốc cũng đã có kế hoạch đến năm 2020 sẽ mở 60 siêu thị mới tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư 3,2 tỷ đô la Mỹ (USD). Ngay trong năm 2016, các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan như Berli Jucker, Central Group cũng đã đầu tư cả tỷ USD để thâu tóm toàn bộ hệ thống bán lẻ Metro, BigC. Cũng từ năm 2016, doanh nghiệp Trung Quốc Miniso cũng đã có động thái thâm nhập vào thị trường bán lẻ thông qua hợp đồng nhượng quyền với Tập đoàn Lê Bảo Minh và công bố mở 12 cửa hàng tại các thành phố lớn.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là bước đi khôn ngoan của các thương hiệu lớn khi thực hiện hợp đồng mua bán và sát nhập. Thử làm một phép tính, nếu một nhà bán lẻ phát triển từ số 0, họ sẽ phải mất công sức xây dựng, tìm hiểu nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam, chưa nói đến vô vàn các thủ tục giấy tờ…
Theo Tổng Giám đốc Trung tâm thương mại Aeon (Nhật Bản) Mall-Konishi Yukio, thời gian tới Aeon tiếp tục mở rộng hệ thống bán lẻ, dự kiến đến năm 2020, Aeon Mall sẽ đưa vào hoạt động 20 trung tâm thương mại trên khắp Việt Nam. Trung tâm thương mại Aeon Mall Long Biên đi vào hoạt động từ năm 2015, nhà bán lẻ Aeon Mall đã liên kết với BIM Group đầu tư trung tâm thương mại thứ 2 tại Hà Nội với số tiền lên đến 200 triệu USD. Khi trung tâm thương mại này đi vào hoạt động năm 2019, Aeon Mall có đến 5 trung tâm thương mại tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 600 triệu USD.
Thị trường bán lẻ Việt Nam không chỉ thu hút doanh nghiệp bán lẻ đến từ khu vực châu Á mà doanh nghiệp châu Âu cũng đang tiến hành “ đổ bộ”. Từ tháng 9 đến nay, Tập đoàn đa quốc gia H&M trong lĩnh vực bán lẻ sản phẩm thời trang Thụy Điển đã liên tục khai trương cửa hàng kinh doanh thời trang tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. H&M không phải là doanh nghiệp thời trang châu Âu đầu tiên khai thác thị trường Việt Nam. Trước đó, còn có nhãn hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) thâm nhập Việt Nam hồi tháng 7/2016,
Trước thực trạng doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài liên tục đầu tư khai thác thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa ngày càng phải đối mặt với nhiều thách thức và cạnh tranh khốc liệt hơn. Để có thể duy trì và phát triển, trong "cái khó ló cái khôn", các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đã tìm cho mình hướng đi riêng để tạo thế cân bằng với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là xây dựng chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi bám sát khu dân cư, thị trường nông thôn để tạo đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong nhiều năm qua siêu thị Việt Lan Chi Mart liên tục mở rộng hệ thống phân phối tại khu vực nông thôn, hiện LanChi Mart có 19 siêu thị tại các huyện ngoại thành và một số tỉnh miền bắc. Tổng công ty Thương mại Hà Nội, sau 11 năm đầu tư hệ thống siêu thị và các cửa hàng tiện ích Hapromart, hệ thống bán lẻ này cũng đã vươn ra các tỉnh Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Thực tế cho thấy, không chỉ doanh nghiệp Nhà nước mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng tiện ích. Theo Tập đoàn Vingroup, sau hơn 2 năm đầu tư, hiện hệ thống cửa hàng tiện ích VinMart+ hoạt động như một siêu thị mini đã lên con số 1.000 cửa hàng. Dự kiến đến cuối năm 2017, hệ thống VinMart+ sẽ đạt con số 1.500 cửa hàng tại 30 tỉnh thành và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam.
Cùng tham gia phân khúc này, Saigon Co.op đã tận dụng các cửa hàng tạp hóa truyền thống để biến các cửa hàng này thành đại lý bán lẻ hiện đại mang thương hiệu Co.op Smile đặt ngay tại những khu dân cư. Nhằm tạo sức mạnh cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam (AVR) đã đề xuất Chính phủ thành lập một tập đoàn bán lẻ trên cơ sở “bắt tay” của 4 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam với doanh thu đến 4 - 5 tỷ USD/năm. Đó là Saigon Co.op, Tập đoàn Phú Thái (PhuThai Group), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro).
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho biết, người Việt Nam có thói quen mua bán ở các hệ thống chợ vì tiện lợi, phong phú mặt hàng nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng thích mua sắm tại các siêu thị. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam phải nắm bắt được tâm lý này của người tiêu dùng để phát triển các cửa hàng tiện lợi tại hệ thống chợ truyền thống hoặc tại thị trường nông thôn, điều mà hệ thống siêu thị hiện đại khó có thể làm được.