Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn

Mục tiêu cải cách hành chính của ngành ngân hàng là lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn cho các thành phần kinh tế, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú. Ảnh: H.Nhàn.

-Ngân hàng Nhà nước vừa được xếp thứ Nhất bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018. Xin ông cho biết cụ thể hơn về kết quả quá trình cải cách hành chính  của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua?

-Lần thứ 4 liên tiếp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được "xướng tên" thứ Nhất bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2018 (Par-Index 2018) với kết quả là 90,57%.

Chỉ số thành phần về công tác chỉ đạo điều hành CCHC của NHNN đạt 100% trong khi mức bình quân của các bộ là 87,65%. Kết quả điều tra xã hội học đánh giá tác động CCHC của NHNN tiếp tục xếp vị trí thứ Nhất, ghi dấu năm thứ 5 liên tiếp NHNN dẫn đầu chỉ số này. Sự ghi nhận từ Chính phủ, cộng đồng xã hội và chính các bộ, ngành thêm một lần nữa cho thấy hiệu quả của một quá trình chủ động, nỗ lực CCHC không ngừng nghỉ của NHNN trong những năm qua.

Cải cách hành chính ngành ngân hàng là lấy trọng tâm người dân và doanh nghiệp làm chủ điểm. Cùng với tinh thần quyết liệt trong thực hiện, chủ động trong điều hành, linh hoạt trong thực hành là sự cởi mở trong việc tiếp thu các phản hồi và nhanh chóng xử lý, tháo gỡ các hạn chế vướng mắc tồn đọng. Trong 4 năm qua NHNN luôn dẫn đầu 19 bộ, ngành trong chỉ số cải cách hành chính. Thêm vào đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” năm 2018 của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng, phía ngân hàng đã minh bạch hóa các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…; ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp; đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng. Cụ thể: các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ…

NHNN sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các TCTD trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động”.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 13 bậc (so với năm 2016); cũng tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 (Doing Business 2019) công bố ngày 31/10/2018, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), đứng thứ 3 trong khu vực và ngang bằng với Singapore và Malaysia - các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4 (cùng với chỉ số Tiếp cận điện năng).

Thông tin trên có thể thấy sự cải thiện rõ nét về môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và cải thiện môi trường kinh doanh nói chung. Ngay trong tháng 5, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị trong toàn ngành ngân hàng để đánh giá những kết quả CCHC đặc biệt là kết quả trong hoạt động cải cách để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vay vốn, tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Tuy nhiên, tôi cũng cung cấp đánh giá sơ bộ. Thứ nhất hoạt động cải cách tại NHNN được tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước. NHNN đã cắt giảm 31% điều kiện kinh doanh, 20% chế độ báo cáo định kỳ đảm bảo thực chất; toàn bộ TTHC được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch; công tác xử lý, quản lý văn bản, tổ chức hội nghị, cuộc họp, đào tạo trong toàn ngành được điện tử hóa… phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại.

Thứ hai, theo định hướng, kế hoạch của NHNN, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Năm 2018 hệ thống các TCTD đã chủ̉ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng; các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ… Các ngân hàng đã tổ chức hơn 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp trên toàn quốc; đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.

-Ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm và phương hướng trong hoạt động cải cách thời gian tới?

NHNN sẽ thường xuyên theo dõi và có nhiều hình thức tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong toàn ngành để đánh giá sát tình hình triển khai. Định kỳ, lãnh đạo NHNN đều trực tiếp đi kiểm tra tại các địa phương, các đơn vị trong ngành về việc tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch CCHC.

Về phạm vi CCHC, NHNN đã tập trung chỉ đạo toàn diện, đồng thời 6 nội dung CCHC nhà nước trong hệ thống NHNN; đồng thời từ nhiều năm nay NHNN đã chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh cải cách thủ tục vay vốn và dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, người dân tốt hơn. Mặc dù, TCTD là doanh nghiệp, nhưng cải cách, đổi mới, các thủ tục có tính chất hành chính, nhất là trong quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán… cũng là nhiệm vụ và trách nhiệm của ngành ngân hàng.

 NHNN đã chủ động đề xuất với Chính phủ và chủ động phối hợp với các bộ, ngành địa phương để thực hiện các hoạt động cải cách TTHC, về triển khai giải pháp thanh toán điện tử đối với dịch vụ công và thanh toán các nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước.

Thời gian tới, NHNN tiếp tục đẩy mạnh CCHC trọng tâm là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Những mục tiêu này tôi tin chắc rằng sẽ không bị giảm sức nóng hoặc trì hoãn khi người đứng đầu NHNN rất quan tâm, sâu sát và chỉ đạo xuyên suốt quyết liệt.

Xin cảm ơn Phó Thống đốc!

 

Minh Phương/Báo Tin tức
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết
Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết

Liên quan đến diễn biến tỷ giá tăng trong những ngày qua, ngày 21/5, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản thị trường vẫn ổn định và cân đối cung cầu ngoại tệ cũng khá thuận lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN