Cắt giảm nhiều loại phí giao dịch
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú, thực hiện Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, đến nay ngành ngân hàng đã cắt giảm được hơn 100 thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục, điều kiện hành chính cho vay. Song song đó, việc cải cách, đơn giản hóa các thủ tục tín dụng cũng được ngành ngân hàng chú trọng cải tiến, giúp hoạt động cho vay đơn giản hơn. Điều này cũng tạo động lực hơn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) cạnh tranh cho vay, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc tiếp cận vốn vay.
TP Hồ Chí Minh được xem là điểm sáng trong việc cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng. Có thể thấy, trong nhiều năm qua, NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh luôn thực hiện chương trình kết nối giữa ngân hàng và DN nhằm lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động cho vay. Do đó, các NHTM chi nhánh TP Hồ Chí Minh luôn có tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các tỉnh thành khác trong cả nước.
Đặc biệt, việc cải cách thủ tục hành chính gắn liền với công nghệ 4.0 đã giúp mối quan hệ giữa các NHTM, DN và người dân gần gũi hơn, nhanh gọn hơn trong việc cho vay và vay vốn. Trong đó, giải pháp cho vay hay gửi tiết kiệm online đã được các ngân hàng triển khai giúp tiết kiệm thời gian cho người dân và DN.
Bên cạnh đó, các NHTM cũng cắt giảm các loại phí để giảm áp lực cho DN và người dân. Điển hình như ngân hàng BIDV, giai đoạn 2016 -2018 đã giảm, miễn phí 9 loại phí, gồm: Giảm phí chuyển tiền; miễn phí đăng ký sử dụng các dịch vụ, phí thường niên online, smartbanking… Ngân hàng MB cắt giảm 16 loại phí, gồm ba loại phí xác nhận cam kết thanh toán, năm loại phí liên quan đến thực hiện cam kết, hai loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng… Ngân hàng Techcombank thực hiện chương trình Zero fee (miễn phí 100%) cho tất cả các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong chuyển tiền.
Đối với việc loại bỏ phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay, ngân hàng VCB đã cắt giảm các loại phí tư vấn, thu xếp, thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết… đồng thời ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng, phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài.
Trong khi đó, Vietinbank thì hướng tới mục tiêu tạo điều kiện tối đa cho DN tiếp cận vốn với chi phí hợp lý nhất, đồng thời tiết giảm chi phí làm cơ sở điều chỉnh giảm lãi suất cho vay…
Tạo thuận lợi để tiếp cận vốn vay
Mặc dù cắt giảm nhiều thủ tục và điều kiện cho vay, nhưng tăng trưởng tín dụng của các NHTM vẫn chậm. Chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cho biết chính sách và cơ chế cho vay của NHNN đã có, vốn VNĐ và USD không thiếu, tuy nhiên từ chính sách đến thực thi vẫn chưa đồng bộ.
“Nguyên nhân là trên 70% tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đến từ các DN vừa và nhỏ (DNVVN). Tuy nhiên, hiện nay các DNVVN đều thiếu hồ sơ minh bạch, tài sản thế chấp và không chứng minh được nguồn vốn trả nợ. Để tạo thuận lợi cho DN vay vốn, việc cắt giảm thủ tục hành chính chưa đủ mà các NHTM cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ ngân hàng có kiến thức và nhiệt huyết để hỗ trợ người dân, DN hoàn thiện hồ sơ trong phạm vi quy định của pháp luật. Không thể vì DN không đáp ứng đủ thì NHTM bỏ mặc. Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất như thế nào, từng NHTM phải có chính sách riêng và cơ chế thiết thực”, TS Bùi Quang Tín chia sẻ.
Cùng quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, cải cách thủ tục hành chính không chỉ là ứng dụng công nghệ số mà còn phải phụ thuộc con người. Vì vậy, các NHTM cần có giải pháp nào thay thế khi DN thiếu tài sản thế chấp, như có thể chấp nhận thế chấp 80% khoản phải thu, hay 50% hàng tồn kho của DNVVN… Có như vậy, DN có thể mới được “cởi trói” và tiếp cận vốn vay dễ dàng hơn. Ngoài ra, NHNN cũng nên tăng cường quỹ bảo lãnh tín dụng tại các thành phố lớn, các địa phương có số lượng DN đầu tư cao. Đặc biệt, nên xây dựng thang điểm tín dụng để chấm điểm cho các DN, nếu DN nào có điểm tín dụng cao thì có thể cho vay nhanh chóng hơn.
Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, muốn tăng trưởng tín dụng thì phải có chính sách tiền tệ ổn định. Vì thế, việc cải cách hành chính ngành ngân hàng vẫn lấy ổn định làm trung tâm, quan trọng nhất là kiểm soát tiền tệ, kiểm soát lãi suất. Theo đó, việc giảm nợ xấu là việc cần làm trước tiên. Cụ thể, các NHTM cần rà soát nợ xấu tại các DN lớn, nợ xấu nào không cứu được thì cần cắt bỏ ngay, không nên cứu DN nữa.
Bàn về vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đồng tình cần tháo gỡ khó khăn cho DN và cá nhân khi vay vốn thông qua cải cách thủ tục hành chính, trong đó việc áp dụng công nghệ số khi cải cách thủ tục là cần thiết và đi đầu. Tuy nhiên, các NHTM vẫn phải cẩn trọng vì áp dụng công nghệ cũng đi kèm nhiều rủi ro, khó khăn và phức tạp khi cho vay, tránh phát sinh nợ xấu.
Về phía NHNN, ông Đào Minh Tú cho biết, sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế, thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các NHTM tổ chức tín dụng trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động.