Mở phiên giao dịch sáng 5/10, các chỉ số chứng khoán chủ chốt của thị trường châu Á như Nikkei của Nhật bản, KOSPI của Hàn Quốc đều tăng điểm.
Trong 15 phút giao dịch đầu tiên, chỉ số Nikkei-225 tăng 17,02 điểm (0,64%) lên 27.165,23 điểm. Chỉ số TOPIX cũng tăng 0,63%, lên 1.918,81 điểm. Tại Nhật Bản, nhóm cổ phiếu các ngành vận tải hàng hải, hàng không và bảo hiểm có mức tăng điểm lớn nhất. Tại Hàn Quốc, chỉ số KOSPI trong 15 phút giao dịch đầu tăng tới 1,01%, lên 2.231,77 điểm.
Diễn biến tích cực trên thị trượng chứng khoán châu Á phản ánh tâm lý phấn chấn của giới đầu tư từ các thị trường châu Âu, Mỹ lan sang khu vực châu Á.
Trước đó, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu tăng điểm đồng loạt tăng điểm trong phiên 4/10 và đồng USD giảm trong bối cảnh ngày càng có nhiều hy vọng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể giảm bớt tốc độ tăng lãi suất.
Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,8% lên 30.316,32 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 3,1% lên 3.790,93 điểm, chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 3,3% lên 11.176,41 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số CAC 40 trên thị trường Paris (Pháp) lúc đóng cửa tăng 4,2% lên 6.039,69 điểm, chỉ số DAX 30 tại thị trường Frankfurt (Đức) tăng 3,8% lên 12.670,48 điểm, chỉ số FTSE tại thị trường London (Vương quốc Anh) tăng 2,6% lên 7.086,46 điểm, chỉ số EURO STOXX 50 tăng 4,3% lên 3.484,48 điểm.
Để kiềm chế lạm phát, FED và các ngân hàng trung ương đã liên tục tăng lãi suất, nhưng việc thắt chặt chính sách tiền tệ đã làm dấy lên lo ngại rằng có thể đẩy các nước vào suy thoái. Những lo ngại đó đã khiến giá cổ phiếu giảm mạnh trong những tuần gần đây, đặc biệt là khi FED để ngỏ khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay và có thể là vào đầu năm sau để chống lại lạm phát.
Yếu tố hỗ trợ sự lạc quan của giới đầu tư là những thông tin từ thị trường việc làm và sản xuất của Mỹ làm dấy lên hy vọng rằng FED sẽ không quá quyết liệt trong việc tăng lãi suất, cùng với đó là việc Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) ngày 4/10 tăng lãi suất chỉ 0,25 điểm phần trăm, bằng một nửa mức tăng dự kiến. Các nhà phân tích cho rằng hành động của RBA có thể tạo phản ứng dây truyền khiến các ngân hàng trung ương khác dù vẫn thực hiện tăng lãi suất nhưng với mức tăng nhỏ hơn.