Thị trường chứng khoán Mỹ chịu sự chi phối của nhiều yếu tố

Tiến trình Brexit, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu, chính sách lãi suất và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp là những yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần.

Chú thích ảnh
Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Tính chung cả tuần, cả chỉ số công nghệ Nasdaq và chỉ số S&P 500 đều ghi nhận tuần tăng thứ ba liên tiếp, trong khi chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi dấu một tuần sụt giảm về danh nghĩa. 

Trong phiên đầu tuần (8/4), chứng khoán biến động trái chiều khi các nhà đầu tư chờ đợi những diễn biến mới xung quanh tiến trình Brexit, chỉ việc Anh rời Liên minh châu Âu, và mùa báo cáo kinh doanh quý I/2019 sắp diễn ra. Tuy nhiên, mùa công bố kết quả lợi nhuận quý đầu năm của các doanh nghiệp được dự báo không mấy khả quan. Công ty nghiên cứu thị trường CFRA Research cho rằng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu của các công ty "góp mặt" trong S&P 500 sẽ giảm trung bình 2,7%. 
  
Sang phiên 9/4, Phố Wall chìm trong sắc đỏ, khi quan hệ thương mại giữa Washington và Brussels trở nên căng thẳng hơn. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 đã dọa Washington sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) tổng trị giá 11 tỷ USD, với cáo buộc rằng EU trợ cấp cho nhà sản xuất máy bay Airbus và gây bất lợi cho Mỹ. Tuyên bố này của ông Trump đã phát đi tín hiệu Nhà Trắng sẽ chuyển hướng sang châu Âu một khi vấn đề tranh chấp thương mại với Trung Quốc được giải quyết. 
 
Chứng khoán Mỹ lấy lại đà tăng trong ngày 10/4 sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 3/2019 về chính sách lãi suất, giữa lúc các thị trường hướng sự chú ý vào hội nghị thượng đỉnh của EU bàn về vấn đề lùi thời hạn Brexit. Các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí lùi thời hạn ra đi của nước Anh đến ngày 31/10. Đây là lần thứ hai EU đồng ý gia hạn ngày Anh rời khỏi liên minh, còn gọi là Brexit, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra trong trường hợp Brexit cứng. Trong khi đó, biên bản cuộc họp của Fed diễn ra ngày 19-20/3 cho thấy hầu hết nhà hoạch định chính sách của Fed đều tin rằng cơ quan này sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần lớn thời gian của năm 2019.

Phố Wall khép lại phiên giao dịch trầm lắng ngày 11/4 với hầu hết các chỉ số đều giảm điểm. Trong phiên này các nhà đầu tư ngóng chờ hai ngân hàng lớn của Mỹ là JPMorgan Chase và Wells Fargo công bố kết quả kinh doanh trong ngày 12/4.
 
Trong phiên cuối tuần (12/4), chứng khoán Mỹ chạm gần mốc cao kỷ lục, sau khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JPMorgan Chase & Co, giúp xoa dịu lo ngại rằng mùa công bố báo cáo lợi nhuận quý I/2019 của các doanh nghiệp, dự kiến diễn ra trong những tuần tới, sẽ kéo lùi đà phục hồi của Phố Wall. 

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 269,25 điểm (1,03%) lên  26.412,3 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 19,09 điểm (0,66%) lên 2.907,41 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 36,81 điểm (0,46%) lên 7.984,16 điểm.

Ngày 12/4, ngân hàng JPMorgan đã công bố đạt lợi nhuận hàng quý cáo hơn dự báo, qua đó, giúp xoa dịu những lo ngại rằng sự giảm tốc của nền kinh tế có thể tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của ngân hàng này. Giá cổ phiếu của JPMorgan đã tăng 4,7% và dẫn đầu đà tăng của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chuyên gia David Carter, thuộc Lenox Wealth Advisors, tại New York (Mỹ) nhận định kết quả kinh doanh của JPMorgan có ý nghĩa quan trọng, bởi hoạt động của ngân hàng này “chạm” đến nhiều khía cạnh của nền kinh tế. Ngoài JPMorgan, giá cổ phiếu của Walt Disney Co phiên này tăng 11,5% lên mức cao kỷ lục, yếu tố mạnh mẽ nhất tạo lực đẩy cho chỉ Dow Jones và S&P 500.

Trà My (TTXVN (Tổng hợp))
Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm
Chứng khoán châu Á hầu hết tăng điểm

Các thị trường chứng khoán châu Á phần lớn đều đi lên trong phiên 14/3, trong đó đáng chú ý là chỉ số Kospi của Hàn Quốc ghi nhận phiên tăng điểm thứ 11 liên tiếp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN