Chứng khoán châu Á với sắc xanh chủ đạo
Cụ thể, tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tiến 2,1% lên 29.128,11 điểm. Trong khi đó, các sàn chứng khoán Sydney, Seoul, Wellington, Taipei, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng đồng loạt tăng điểm. Ở chiều ngược lại, tại Trung Quốc chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite trên sàn Hong Kong và Thượng Hải lần lượt giảm 0,7% và 0,4% xuống còn 25.901,99 điểm và 3.581,73 điểm.
Chứng khoán Tokyo bật tăng mạnh mẽ sau khi Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide tuyên bố ông sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc đua vào ghế lãnh đạo đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền vào tháng 9 năm nay. Điều này đã đặt ra những kỳ vọng rằng người kế nhiệm ông Suga Yoshihide sẽ tung ra những gói kích thích kinh tế khổng lồ mới để hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán châu Á cũng được hưởng lợi nhờ tâm lý lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu, sau khi những lo ngại về đà lây lan nhanh chóng của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tạm lắng. Trong đó, lực đẩy rõ ràng nhất có lẽ là việc các dữ liệu vừa công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ trong tuần qua đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.
Mặc dù vậy, hai thị trường Hong Kong và Thượng Hải lại chìm trong sắc đỏ sau khi “gã khổng lồ” công nghệ Alibaba tuyên bố quyên góp hơn 15 tỷ USD cho các hoạt động từ thiện để hưởng ứng lời kêu gọi người giàu đóng góp nhiều hơn cho xã hội của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này đã khiến giá cổ phiếu của Alibaba giảm hơn 3% tại thị trường Hong Kong trước những lo lắng về triển vọng lợi nhuận trong những tháng cuối năm của tập đoàn này.
Giá dầu châu Á: Biến động trái chiều trước các tín hiệu “nhiễu”
Giá dầu châu Á biến động trái chiều trong phiên 3/9 trước những tín hiệu “nhiễu” về nhu cầu tiêu thụ năng lượng và hoạt động sản xuất dầu tại khu vực duyên hải của Mỹ thuộc Vịnh Mexico.
Cụ thể, vào lúc 13 giờ 11 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent biển Bắc tăng 22 xu Mỹ (0,3%) lên mức 73,25 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giảm 5 xu Mỹ xuống 69,94 USD/thùng. Cả hai loại dầu tiêu chuẩn này đều ghi nhận một tuần giao dịch khá ổn định.
Chuyên gia môi giới Stephen Brennock thuộc hãng tư vấn PVM (Anh) cho biết: “Thị trường dầu đang phản ứng lại những ảnh hưởng của cơn bão Ida. Với tình trạng mất điện và lũ lụt diễn ra ở mức nghiêm trọng, hoạt động tại các nhà máy lọc dầu của Mỹ có thể chịu ảnh hưởng trong dài hạn”.
Theo hãng tin Reuters, mức sản lượng dầu tương đương 1,7 triệu thùng/ngày đang bị "kẹt" ở Vịnh Mexico do hoạt động của các sân bay và kho chứa nhiên liệu bị gián đoạn, khiến các nhân viên chưa thể trở lại giàn khoan ngoài khơi.
Ông Andy Lipow, Chủ tịch công ty tư vấn Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết sáu nhà máy lọc dầu ở vùng New Orleans, bao gồm các nhà máy của PBF, Phillips, Shell, Marathon và hai nhà máy của Valero, đã buộc phải đóng cửa. Năng lực lọc dầu của sáu nhà máy này khoảng 1,7 triệu thùng/ngày, chiếm 9% tổng năng lực sản xuất của cả nước. Ông Lipow cho biết vị trí đổ bộ của bão Ida có thể ảnh hưởng đến các đường ống dẫn lớn vận chuyển nhiên liệu từ Vịnh Mexico đến các thị trường ở Bờ Đông.
Điều này khiến một số nhà phân tích dự đoán giá dầu có khả năng tiếp tục tăng giá trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại được kỳ vọng sẽ khởi sắc sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC+, quyết định sẽ tăng sản lượng thêm 400.00 thùng/ngày vào thị trường trong vài tháng tới, theo đúng lộ trình.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới OANDA, cho biết: “Thị trường dầu sẽ tiếp tục thâm hụt mạnh trong thời gian còn lại của năm 2021. Giá dầu có thể sẽ tăng hơn nữa khi OPEC+ tỏ ra kỷ luật trong việc tăng sản lượng và kho dự trữ dầu của Mỹ tiếp tục giảm”.
Giá vàng châu Á tăng nhẹ
Giá vàng châu Á duy trì ở mức ổn định trong phiên 3/9, được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD giữa bối cảnh giới đầu tư chờ đợi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng Tám vào cuối ngày 3/9.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.811,60 USD/ounce vào lúc 13 giờ 35 phút còn giá vàng kỳ hạn Mỹ cũng tiến 0,1% lên 1.813,60 USD/ounce. Tính từ đầu tuần, giá vàng giao ngay đã giảm 0,2%.
Chuyên gia phân tích độc lập Ross Norman nhận định: "Thị trường đang được củng cố trước thời điểm Mỹ công bố các số liệu quan trọng về thị trường lao động”. Theo chuyên gia này, một kết quả với ít hơn 650.000 việc làm được tạo ra trong tháng qua sẽ là tín hiệu tốt đối với thị trường kim loại quý.
Báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày 3/9. Kết quả thăm dò của Reuters dự báo có khoảng 728.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 8. Trong khi đó, việc đồng USD giảm xuống gần mức thấp nhất của một tháng cũng giúp củng cố sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tuần trước cho biết nếu tăng trưởng việc làm tiếp tục diễn ra, thể chế này sẽ cắt giảm các chương trình mua tài sản trong năm nay, nhưng sẽ vẫn thận trọng về việc tăng lãi suất.
Trong khi vàng được coi là “hàng rào” chống lại lạm phát và sự sụt giá tiền tệ, môi trường lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này.